Chúng tôi trên mạng xã hội

Quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp, người lao động

Để tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh với sự cạnh tranh ngày càng cao và khốc liệt. Mỗi một doanh nghiệp, cá nhân bắt buộc phải có những điểm mới, điểm riêng nổi bật của mình để thích nghi với hoàn cảnh thị trường mới, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và bản thân. Và một trong những tiền tố quan trọng để nâng cao hiệu ứng chống cạnh tranh không lành mạnh cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, cá nhân chính là vấn đề về quyền sở hữu công nghiệp.

Theo định nghĩa tại Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là “Luật sở hữu trí tuệ”): “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.” Quyền sở hữu công nghiệp chính là tài sản quý giá của mỗi doanh nghiệp, cá nhân, bởi lẽ quyền sở hữu công nghiệp giúp doanh nghiệp, cá nhân xác lập quyền đối với những đối tượng của nó được quy định nêu trên do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Về bản chất và trên thực tế, trong môi trường doanh nghiệp thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động liên quan đến việc thiết lập, phân định quyền về quyền sở hữu công nghiệp là rất cần thiết và quan trọng. Nó điều chỉnh, kiểm soát quyền của các bên trong những tình huống phát sinh theo suốt quá trình kinh doanh, thương mại và hợp tác cùng nhau. Bởi, chính doanh nghiệp, người lao động đóng vai trò chủ thể tham gia và chịu tác động trực tiếp của quyền sở hữu công nghiệp.

Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, bản chất của hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động là việc người lao động sẽ cung ứng sức lao động của mình cho doanh nghiệp, và doanh nghiệp sẽ trả tiền tương ứng với sức lao động mà người lao động đã bỏ ra. Người lao động hoàn toàn có thể được doanh nghiệp thuê để sáng tạo ra những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Nên khi đặt ra vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, các bên cần xác định ai là chủ sở hữu, ai là tác giả của quyền sở hữu công nghiệp này? Tuy nhiên, không phải đối tượng nào của quyền sở hữu công nghiệp cũng đều đồng thời có tác giả và chủ sở hữu. Đối với nhãn hiệu, tên thương mại hay bí mật kinh doanh chỉ xác lập quyền cho chủ sở hữu mà không có tác giả; riêng đối với chỉ dẫn địa lý chủ sở hữu duy nhất là Nhà nước, và chỉ những tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý mới được xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý đó.

Khoản 1 Điều 121 kết hợp Khoản 1 Điều 122 Luật sở hữu trí tuệ: “Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng”, “Tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là người trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp”, có thể thấy, trong các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp chỉ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí mới xác định có cả tác giả và chủ sở hữu. Như vậy, giữa doanh nghiệp và người lao động khi tồn tại mối quan hệ liên quan đến những sản phẩm này thì cần phải đặt ra vấn đề phân lập quyền cho ai là chủ sở hữu, ai là tác giả, để đảm bảo quyền và lợi ích các bên. Ngoài ra, Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ còn quy định rõ tác giả là người tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình; và chủ sở hữu là “tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.” Phải xác lập rõ vai trò của các chủ thể đối với quyền sở hữu công nghiệp như vậy bởi vì tác giả và chủ sở hữu sẽ có giới hạn quyền khác nhau.

 
  1. Theo đó, tác giả sẽ được hưởng quyền nhân thân và quyền tài sản tương ứng. Trong đó, quyền nhân thân bao gồm: (i) Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; (ii) Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là quyền nhận thù lao cho sản phẩm mình tạo ra theo quy định tại Điều 135 của Luật sở hữu trí tuệ.
 
  1. Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp (nói chung) được độc quyền đối với quyền tài sản về: (i) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định; (ii) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; (iii) Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp. Doanh nghiệp có thể trực tiếp sử dụng, khai thác hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng, khai thác hoặc chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu của mình.
Như vậy, nếu người lao động tự tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đáp ứng được các điều kiện để bảo hộ bằng chính công sức của mình, nó nằm ngoài quan hệ lao động và quá trình sáng tạo cũng không sử dụng bất kỳ phương tiện, công cụ nào từ doanh nghiệp mà mọi chi phí đều do chính họ bỏ ra. Vì vậy, khi đăng ký cấp văn bằng, người lao động sẽ được ghi nhận là tác giả và đồng thời là chủ sở hữu của sản phẩm trí tuệ đó, và thuộc sở hữu riêng của họ. Người lao động sẽ được hưởng quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả và cả quyền tài sản của chủ sở hữu đã đề cập ở trên.

Trường hợp sản phẩm được người lao động tạo ra từ công sức của mình nhưng trên cơ sở thực hiện theo nhiệm vụ, công việc được doanh nghiệp giao phó (theo đúng bản chất của quan hệ lao động), và chính doanh nghiệp đầu tư chi phí, cung cấp phương tiện, trang thiết bị cần thiết để người lao động làm ra sản phẩm. Doanh nghiệp sẽ có quyền đăng ký cấp văn bằng bảo hộ, được xác lập là chủ sở hữu của quyền sở hữu công nghiệp đó và có quyền đối với quyền tài sản của chủ sở hữu. Và người lao động được hưởng các quyền nhân thân và quyền tài sản của vai trò tác giả.

Tuy nhiên, dù cho hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ hiện nay cơ bản đã được kiện toàn và thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, song trên thực tế vẫn có nhiều tình huống xảy ra ngoài dự liệu của pháp luật. Chẳng hạn nếu xảy ra trường hợp người lao động tạo ra sáng chế không nằm trong diễn tiến của quan hệ lao động, không thuộc nhiệm vụ được giao hoặc thuê của doanh nghiệp nhưng họ lại sử dụng những tiện ích, công cụ từ doanh nghiệp để nghiên cứu ra sáng chế đó. Vậy, chủ sở hữu trong tình huống này sẽ là doanh nghiệp hay người lao động? Quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề này, gây lúng túng cho các doanh nghiệp và người lao động khi xác lập vị trí, quyền hạn của mình đối với những tài sản trí tuệ này. Nên việc định rõ tác giả, chủ sở hữu đối với một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp vẫn luôn là nút thắt lớn chưa bao giờ cũ đối với doanh nghiệp, người lao động. Giải pháp để tránh phát sinh tranh chấp về vấn đề này là dựa trên ý chí, sự thỏa thuận của doanh nghiệp và người lao động khi giao kết hợp đồng lao động có liên quan đến những vấn đề về sở hữu trí tuệ. Các bên cần chủ động thiết lập các điều khoản về xác định phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình đối với quyền sở hữu công nghiệp trong những trường hợp cụ thể.

Tài sản trí tuệ là loại tài sản vô hình, dễ bị chiếm đoạt, do đó Nhà nước luôn khuyến khích các doanh nghiệp cũng như cá nhân tiến hành đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ do mình tạo ra hoặc sở hữu để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Vì vậy, dù quyền sở hữu công nghiệp có được đăng ký hay không thì doanh nghiệp hay người lao động vẫn phải có nghĩa vụ tôn trọng, không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không thuộc về mình. Giúp hạn chế xảy ra các tranh chấp không đáng có, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển lâu bền.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây