Chúng tôi trên mạng xã hội

Thành Viên Hội Đồng Quản Trị Độc Lập

Các Trường Hợp Phải Có Thành Viên Hội Đồng Quản Trị Độc Lập

Khác với các thành viên của Công Ty TNHH, các cổ đông trong Công Ty Cổ Phần là những người góp vốn trực tiếp nhưng không trực tiếp tham gia điều hành công ty. Theo Khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014 (“LDN 2014”), Công ty Cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

  • Mô hình thứ nhất: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

  • Mô hình thức hai: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.

Trong mô hình thứ hai, chúng ta xuất hiện khái niệm “Hội đồng quản trị độc lập”, độc lập trong trường hợp này là độc lập với ban điều hành, độc lập với các cổ đông chi phối, có quyền kiểm soát và cổ đông lớn. Trong quá trình công ty hoạt động, các cổ đông lớn không chỉ nắm giữ cổ phiếu và ảnh hưởng lên các quyết định của đại hội đồng cổ đông vào các kỳ đại hội, mà còn tác động lên suốt quá trình chỉ đạo, giám sát điều hành hoạt động doanh nghiệp thông qua các quyết định của Hội đồng quản trị. Mặt khác, Ban điều hành với Giám đốc/Tổng Giám đốc, với năng lực chuyên môn cao và khả năng, kinh nghiệm quản lý tốt tham gia điều hành các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.

Để cân đối quyền lực, cần có sự xuất hiện của thành viên Hội đồng quản trị độc lập để đảm bảo tính độc lập về mặt ý chí và độc lập về mặt lợi ích trong quyết định của Hội đồng quản trị, đưa lợi ích công ty lên hàng đầu.

Theo quy định này, nếu công ty cổ phần lựa chọn tổ chức hoạt động theo mô hình thứ hai thì Công ty bắt buộc phải có thành viên Hội đồng quản trị độc lập, trừ trường hợp Công ty có dưới 11 cổ đông và cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần công ty ở mô hình thứ nhất.
Đối với Công ty đại chúng, Nghị định 71/2017/NĐ-CP Hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng quy định cơ cấu Hội đồng quản trị của công ty đại chúng thì:

  • Trong trường hợp công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình thứ hai, cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị của công ty phải đảm bảo ít nhất 1/5 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập. Trường hợp số thành viên Hội đồng quản trị của công ty đại chúng có ít hơn 05 người, công ty phải đảm bảo có 01 thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập;

  • Trong trường hợp Công ty đại chúng đã niêm yết thì cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập.

Điều Kiện Để Trở Thành Thành Viên Hội Đồng Quản Trị Độc Lập

Để trở thành thành viên Hội đồng quản trị độc lập, cá nhân trước hết phải đáp ứng các tiêu chí đối với thành viên Hội đồng quản trị được quy định tại Khoản 1 Điều 151 LDN 2014 và đáp ứng thêm các tiêu chí sau:

  • Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.

  • Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;

  • Không phải là người có vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;

  • Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty. Bênh cạnh đó, luật các tổ chức tín dụng còn quy định, đối với tổ chức tín dụng, thành viên Hội đồng quản trị độc lập không được cùng người có liên quan sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của tổ chức tín dụng;

  • Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó.

Mặc dù quy định pháp luật về thành viên Hội đồng quản trị tương đối rõ ràng về chức năng, tiêu chuẩn. Nhưng ngay tại các nước có trình độ phát triển cao và Việt Nam,việc xác định một cá nhân có đạt chuẩn hội đồng quản trị độc lập hay không vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất không phải xác định có thoả mãn các điều kiện quy định của luật pháp hay không, mà ở chỗ liệu cá nhân đó có thật sự có quan điểm độc lập hay không.

Thực tế, một cá nhân được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập đảm bảo các quy định của luật pháp nhưng vẫn khó đạt chuẩn “có quan điểm độc lập” nếu cá nhân đó được giới thiệu vào danh sách ứng cử bởi thành viên ban điều hành, các cổ đông chi phối, cổ đông có quyền kiểm soát, hoặc cổ đông lớn. 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây