Các Loại Hình Công Ty Ở Việt Nam
Sau khi gia nhập WTO từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã ban hành một loạt những chính sách mở cửa thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam. Bài viết này giới thiệu tóm tắt đặc tính cơ bản của ba loại hình công ty phổ biến hiện nay bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn (“CTTNHH”), gồm hai hình thức là (i) CTTNHH hai thành viên trở lên và (ii) CTTNHH một thành viên, và công ty cổ phần (“CTCP”) mà không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các loại hình doanh nghiệp ít phổ biến hơn như doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh sẽ không được đề cập trong phạm vi bài viết này.
1| CTTNHH hai thành viên trở lên
1.1. Tư cách pháp nhân và trách nhiệm của chủ sở hữu công ty. CTTNHH là doanh nghiệp do nhiều tổ chức và cá nhân làm chủ sở hữu nhưng số lượng thành viên không vượt quá năm mươi. CTTNHH có tư cách pháp nhân, đồng thời thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp đủ vào doanh nghiệp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty.[1]
1.2. Cơ cấu tổ chức và quản lý. Hội đồng thành viên (“HĐTV”) là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng nhất trong hoạt động của CTTNHH, bao gồm tất cả các thành viên góp vốn là cá nhân và (các) người đại diện theo ủy quyền của các thành viên góp vốn là tổ chức. Nghị quyết của HĐTV có thể được thông qua dưới hình thức biểu quyết tại cuộc họp. Tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định là 65% đối với quyết định thường và 75% đối với quyết định đặc biệt, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ khác cao hơn hoặc thấp hơn.[2] Mỗi thành viên trong HĐTV có quyền biểu quyết tương ứng với phần góp vốn của mỗi thành viên góp vốn trong CTTNHH hai thành viên.
HĐTV bổ nhiệm giám đốc hoặc tổng giám đốc, đồng thời người này có thể là thành viên công ty hoặc không. (Tổng) giám đốc chịu trách nhiệm điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty và thường là người đại diện theo pháp luật của công ty, mặc dù Điều lệ có thể quy định khác. Ngoài ra, công ty TNHH hai thành viên có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát (“BKS”). Quyền, nghĩa vụ và tiêu chuẩn của Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.[3]
1.3. Khả năng chuyển nhượng và bán doanh nghiệp. Thành viên trong CTTNHH hai thành viên có thể chuyển nhượng, tặng cho hoặc yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 hoặc được liệt kê trong Điều lệ công ty. Tuy nhiên, thành viên dự định mua toàn bộ hoặc một phần góp vốn phải chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp của họ trong công ty trước.[4]
2| CTTNHH một thành viên
CTTNHH một thành viên có thể giảm vốn điều lệ trong hai trường hợp sau:
CTTNHH một thành viên do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (“Chủ sở hữu công ty”) và Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ nợ của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty mà họ đã cam kết góp hoặc góp đủ. CTTNHH một thành viên có tư cách pháp nhân giống như CTTNHH hai thành viên trở lên; tuy nhiên, Chủ sở hữu của CTTNHH một thành viên có quyền tự quyết định đối với nhiều vấn đề của công ty hơn.[5]
Chủ sở hữu công ty có thể bổ nhiệm chủ tịch công ty hoặc thành lập HĐTV bao gồm từ 03 đến 07 thành viên để nhân danh Chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.[6] Nghị quyết của HĐTV được thông qua khi có hơn một nửa số thành viên dự họp tán thành. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty phải được ít nhất ba phần tư số thành viên dự họp tán thành.[7]
Giống như CTTNHH hai thành viên trở lên, CTTNHH một thành viên phải có (tổng) giám đốc do chủ tịch công ty hoặc HĐTV bổ nhiệm, đồng thời người này chịu trách nhiệm điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty và thường là người đại diện theo pháp luật của công ty, mặc dù Điều lệ có thể quy định khác. CTTNHH một thành viên phải có Kiểm soát viên (“KSV”), là người chịu trách nhiệm kiểm tra hoạt động của HĐTV (hoặc chủ tịch công ty) và giám đốc (hoặc Tổng giám đốc) và trách nhiệm khác theo yêu cầu, quyết định của Chủ sở hữu công ty. Đồng thời, Chủ sở hữu công ty quyết định số lượng KSV.[8]
CTTNHH một thành viên có thể giảm vốn điều lệ trong hai trường hợp sau:
- Khi công ty hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu; hoặc
- Khi Chủ sở hữu công ty không thanh toán đầy đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty.[9]
CTTNHH một thành viên có thể tăng vốn điều lệ bằng việc chủ sở hữu công ty đầu tư thêm hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Trong trường hợp huy động thêm hoặc chuyển nhượng phần vốn điều lệ đến tổ chức hoặc cá nhân khác, công ty phải đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành CTTNHH hai thành viên trở lên hoặc CTCP trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi vốn điều lệ.[10]
3| Công ty cổ phần
CTCP là doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành cổ phần do ít nhất ba cổ đông là tổ chức hoặc cá nhân nắm giữ. Cổ đông chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty. CTCP phải có cổ phần phổ thông và có thể có các cổ phần ưu đãi và/hoặc phát hành cổ phiếu.[11] Ngoài ra, CTCP có thể là “công ty đại chúng” (là công ty có hơn 100 cổ đông hoặc đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng) và niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán. Cần lưu ý rằng, liên quan đến cơ cấu tổ chức quản lý và nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng và công ty niêm yết sẽ do Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết.
CTCP có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây (trừ trường hợp pháp luật chứng khoán có quy định khác):
- Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”), Hội đồng quản trị (“HĐQT”), BKS và (Tổng) giám đốc. Trường hợp CTCP có dưới 11 cổ đông và các cổ đông sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có BKS; hoặc
- ĐHĐCĐ, HĐQT và (Tổng) giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT.[12]
ĐHĐCĐ bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết và là cơ quan quyết định cao nhất của CTCP. Luật doanh nghiệp liệt kê một số các vấn đề phải được ĐHĐCĐ thông qua. Tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định tối thiểu là 51% đối với quyết định thường và 65% đối với quyết định đặc biệt, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ khác cao hơn.[13] Mỗi cổ đông trong CTCP có quyền biểu quyết tương ứng với tổng số phiếu biểu quyết của họ, chính là tỷ lệ cổ phần phổ thông, mặc dù trong nhiều trường hợp có thể bị thay đổi bởi cổ phần ưu đãi biểu quyết.
HĐQT là cơ quan quản lý CTCP, có từ 03 đến 11 thành viên và Điều lệ công ty cần quy định cụ thể số lượng thành viên HĐQT. Thành viên HĐQT do ĐHĐCĐ bầu theo phương thức bầu dồn phiếu với nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bầu lại.[14] Nghị quyết của HĐQT có thể được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp tán thành; trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch HĐQT.[15] HĐQT bổ nhiệm (Tổng) giám đốc với nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại. (Tổng) giám đốc chịu trách nhiệm trong việc điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty. [4]
CTCP bắt buộc phải có BKS trong trường hợp có hơn 11 cổ đông là cá nhân hoặc các cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty. BKS có từ 03 đến 05 thành viên (trừ trường hợp Điều lệ quy định khác) và hơn một nửa số thành viên phải thường trú tại Việt Nam.[16] Các Kiểm sát viên do ĐHĐCĐ bầu theo phương thức bầu dồn phiếu với nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bầu lại.
Liên quan đến khả năng chuyển nhượng cổ phần, cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp áp dụng đối với cổ đông sáng lập nắm giữ cổ phần trong 03 năm đầu, hoặc pháp luật, điều lệ có quy định các hạn chế khác.[17] Mặc khác, cổ phần ưu đãi biểu quyết cũng không được phép chuyển nhượng.
Công bố thông tinPháp luật Việt Nam quy định nghĩa vụ công bố thông tin và nộp một số báo cáo nhất định đối với các loại hình công ty. Ví dụ, doanh nghiệp phải thông báo công khai nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin liên quan khác trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.[18] CTCP phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền khi có thay đổi về quyền sở hữu của cổ động nước ngoài, hoặc về thông tin của thành viên HĐQT, KSV hoặc (Tổng) giám đốc công ty. Đồng thời, CTCP phải công bố trên trang điện tử của mình các thông tin về điều lệ công ty, báo cáo tài chính hằng năm và sơ yếu lý lịch của các thành viên HĐQT, KSV và (Tổng) giám đốc.[19] Riêng CTCP đại chúng (bao gồm công ty đã niêm yết) và cổ đông công ty có nghĩa vụ đáng kể về việc công bố thông tin, ví dụ, công bố các thông tin có thể ảnh hưởng đến giá chứng khoản của công ty hoặc báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán về thay đổi của cổ đông lớn (cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành) hoặc thay đổi tỷ lệ sở hữu trên 1% của cổ đông lớn hiện hữu.[20]
Như vậy, tùy thuộc vào đặc tính cơ bản của từng loại hình công ty, nhà đầu tư có thể lựa chọn loại hình công ty phù hợp với nhu cầu đầu tư của mình. Công ty trách nhiệm hữu hạn thường được lựa chọn khi nhà đầu tư muốn một loại hình công ty đơn giản với số lượng thành viên nhất định, mặc khác, nếu nhà đầu tư mong muốn sự linh hoạt và nhanh chóng khi tăng vốn thì có thể chọn lựa Công ty cổ phần. Tuy nhiên, các Công ty cổ phần lại có cơ cấu tổ chức và quản lý phức tạp hơn những loại hình doanh nghiệp khác.
[1] Khoản 1 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014
[2] Căn cứ Điểm b, Khoản 3, Điều 60 Luật doanh nghiệp 2014 thì quyết định đặc biệt của HĐTV liên quan đến ba vấn đề bao gồm:
- Bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản (hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn theo quy định của điều lệ) được ghi trong báo cáo tài chính tài chính gần nhất của công ty;
- Sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ công ty; và
- Tổ chức lại hoặc giải thể công ty.
[3] Điều 55 Luật doanh nghiệp 2014
[4] Điểm a, Khoản 1, Điều 53 Luật doanh nghiệp 2014
[5] Điều 73 Luật doanh nghiệp 2014
[6] Khoản 1, Điều 79 Luật doanh nghiệp 2014
[7] Khoản 6 Điều 79 Luật doanh nghiệp 2014
[8] Điều 82 Luật doanh nghiệp
[9] Khoản 1, Điều 87 Luật doanh nghiệp
[10] Khoản 2, 3, Điều 87 Luật doanh nghiệp
[11] Theo Khoản 2, Điều 113 Luật doanh nghiệp 2014 thì cổ phần ưu đãi bao gồm cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định
[12] Khoản 1, Điều 134 Luật doanh nghiệp 2014
[13] Căn cứ Khoản 1, 2, Điều 144 Luật doanh nghiệp 2014
[14] Khoản 1,2 Điều 150 và Khoản 3 Điều 144 Luật doanh nghiệp 2014
[15] Khoản 9, Điều 153 Luật doanh nghiệp 2014
[16] Điều 157 Luật doanh nghiệp 2014
[17] Khoản 1,2 Điều 163 Luật doanh nghiệp 2014
[18] Khoản 1, Điều 126 Luật doanh nghiệp 2014
[19] Điều 33 Luật doanh nghiệp 2014
[20] Điều 171 Luật doanh nghiệp 2014
[21] Hoạt động công bố thông tin được quy định chi tiết tại Luật chứng khoán 2006 và Thông tư 155/2015/TT-BTC
[1] Khoản 1 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014
[2] Căn cứ Điểm b, Khoản 3, Điều 60 Luật doanh nghiệp 2014 thì quyết định đặc biệt của HĐTV liên quan đến ba vấn đề bao gồm:
- Bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản (hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn theo quy định của điều lệ) được ghi trong báo cáo tài chính tài chính gần nhất của công ty;
- Sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ công ty; và
- Tổ chức lại hoặc giải thể công ty.
[3] Điều 55 Luật doanh nghiệp 2014
[4] Điểm a, Khoản 1, Điều 53 Luật doanh nghiệp 2014
[5] Điều 73 Luật doanh nghiệp 2014
[6] Khoản 1, Điều 79 Luật doanh nghiệp 2014
[7] Khoản 6 Điều 79 Luật doanh nghiệp 2014
[8] Điều 82 Luật doanh nghiệp
[9] Khoản 1, Điều 87 Luật doanh nghiệp
[10] Khoản 2, 3, Điều 87 Luật doanh nghiệp
[11] Theo Khoản 2, Điều 113 Luật doanh nghiệp 2014 thì cổ phần ưu đãi bao gồm cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định
[12] Khoản 1, Điều 134 Luật doanh nghiệp 2014
[13] Căn cứ Khoản 1, 2, Điều 144 Luật doanh nghiệp 2014
[14] Khoản 1,2 Điều 150 và Khoản 3 Điều 144 Luật doanh nghiệp 2014
[15] Khoản 9, Điều 153 Luật doanh nghiệp 2014
[16] Điều 157 Luật doanh nghiệp 2014
[17] Khoản 1,2 Điều 163 Luật doanh nghiệp 2014
[18] Khoản 1, Điều 126 Luật doanh nghiệp 2014
[19] Điều 33 Luật doanh nghiệp 2014
[20] Điều 171 Luật doanh nghiệp 2014
[21] Hoạt động công bố thông tin được quy định chi tiết tại Luật chứng khoán 2006 và Thông tư 155/2015/TT-BTC
Chúng tôi trên mạng xã hội