Thành Lập Công Ty Dịch Thuật Vốn Đầu Tư Nước Ngoài
Với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp trên toàn thế giới để đầu tư kinh doanh thì dịch vụ phiên dịch và biên dịch đa ngôn ngữ ngày càng phát triển và cần thiết, mở ra một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng. Chính vì vậy, dịch vụ phiên dịch và biên dịch đang đượcơ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, để thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh lĩnh vực dịch thuật này thì nhà đầu tư cần phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định theo quy định pháp luật.
Xem thêm: Những câu hỏi thường gặp khi thành lập và hoạt động công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (phần 1).
Căn cứ Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - WTO (“Biểu Cam Kết WTO”), “Dịch vụ phiên dịch và biên dịch” là dịch vụ chưa được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty hoạt động trong lĩnh vực này hoàn toàn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các cơ quan cấp phép sẽ xem xét và cân nhắc chấp thuận, ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phiên dịch và biên dịch và cam kết đầu tư lâu dài, có kế hoạch về tài chính, vốn đầu tư phù hợp…
Ngoài ra, theo quy định pháp luật Việt Nam, “Dịch vụ phiên dịch và biên dịch” là ngành nghề, đầu tư kinh doanh không thuộc danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2016. Tuy nhiên, để công ty đi vào hoạt động kinh doanh dịch thuật thì công ty phải đáp ứng các điều kiện đối với người trực tiếp thực hiện dịch thuật, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, như sau:
1| Điều kiện và tiêu chuẩn đối với người dịch
Người dịch của công ty dịch thuật cần đáp ứng các tiêu chuẩn[1]:
-
Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
-
Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch: nghĩa là, người dịch phải có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A tốt nghiệp thạc sỹ luật quốc tế tại Trung Quốc, chương trình học bằng tiếng Trung thì ông A đủ tiêu chuẩn để được dịch tiếng Trung Quốc; ông Nguyễn Văn B tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Nhật Bản nhưng chương trình học bằng tiếng Anh thì ông B chỉ đủ tiêu chuẩn để dịch tiếng Anh (không được dịch tiếng Nhật Bản)[2].
-
Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch. Ngôn ngữ phổ biến được hiểu là ngôn ngữ được thể hiện trên nhiều giấy tờ, văn bản được sử dụng tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam có thể dịch ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Tây Ban Nha. Những ngôn ngữ không phổ biến là loại ngôn ngữ ít được thể hiện trên giấy tờ, văn bản sử dụng tại Việt Nam và có ít người có thể dịch được ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Ả Rập, tiếng Ấn Độ, tiếng Mông Cổ...[3]
2| Điều kiện đối với Cộng tác viên về dịch thuật
Đăng ký Cộng tác viên dịch thuật với điều kiện như sau[4]:
-
Người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch nêu trên được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước.
-
Người dịch là cộng tác viên của Phòng tư pháp phải kí hợp đồng cộng tác viên dịch thuật với Phòng Tư pháp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người dịch đối với nội dung, chất lượng của bản dịch.
-
Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp phải đăng ký chữ ký mẫu tại Phòng Tư pháp. Khi đăng ký chữ ký mẫu, người dịch phải nộp Văn bản đề nghị đăng ký chữ ký mẫu và trực tiếp ký trước mặt Trưởng Phòng Tư pháp 03 (ba) chữ ký mẫu trong Văn bản đề nghị đăng ký chữ ký mẫu.[5].
[1] Điều 27, Nghị định 23/2015/NĐ-CP
[2] Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 20/2015/TT-BTP
[3] Khoản 2, Điều 9, Thông tư số 20/2015/TT-BTP
[4] Điều 28 Nghị định 23/2015/NĐ-CP
[5] Điều 29 Nghị định 23/2015/NĐ-CP
Chúng tôi trên mạng xã hội