Chúng tôi trên mạng xã hội

Những Lưu Ý Thành Lập Tổ Chức Giáo Dục Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài Tại Việt Nam

Liệu các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài có được phép thành lập một tổ chức giáo dục tại Việt Nam?
Đầu tiên, cần lưu ý rằng giáo dục được xác định là một chính sách quốc gia của Việt Nam. Căn cứ vào Điều 17 của Luật Giáo dục, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng của đầu tư vào giáo dục. Theo đó, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Hơn nữa, Nhà nước ưu tiên đầu tư vào giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên cạnh các tổ chức, cá nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, đầu tư vào giáo dục và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Ngoài ra, theo Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quy định cho phép đầu tư vào cơ sở giáo dục bậc cao dưới hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Hơn nữa, theo Điều 3 và Điều 28 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP vào ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ Việt Nam về hợp tác và đầu tư nước ngoài vào giáo dục (“Nghị Định 86”), nhà đầu tư nước ngoài không phân biệt cá nhân, tổ chức được phép đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo để cung cấp dịch vụ giáo dục cho công dân Việt Nam từ (i) cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; (ii) cơ sở giáo dục mầm non; (iii) cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học); (iv) cơ sở giáo dục đại học; và (v) phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hơn nữa, theo Luật Đầu tư của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài được tự do lựa chọn một trong các hình thức đầu tư sau đây để kinh doanh tại Việt Nam: (i) một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; (ii) một doanh nghiệp liên doanh; hoặc (ii) thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Ngoại trừ, hợp đồng BCC sẽ không được coi là một pháp nhân riêng biệt, các hình thức đầu tư còn lại (nghĩa là 100% doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh) là các pháp nhân theo pháp luật của Việt Nam. Trong trường hợp, có hai nhà đầu tư cá nhân trở lên, các lựa chọn phù hợp là: (i) một công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên; hoặc (ii) một công ty cổ phần.

Điều đáng lưu ý thêm là đầu tư vào dịch vụ giáo dục là lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư Việt Nam và khá nhạy cảm từ quan điểm của cơ quan nhà nước Việt Nam do quan niệm thông thường là chất lượng giáo dục cần được định hướng đúng để vừa nâng cao chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam nhưng cũng đáp ứng truyền thống đời sống của người Việt.
Các dự án đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, do đó, phải đáp ứng một số điều kiện và yêu cầu nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài các điều kiện áp dụng cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, việc đầu tư thành lập trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài (“Đại học”) phải được phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo Điều 34.1 của Nghị định 86.

Các điều kiện luật định sẽ được liệt kê chi tiết dưới đây:

Điều kiện thành lập trường Đại học có vốn đầu tư nước ngoài

Như đã trình bày ở trên, việc thành lập trường Đại học là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Ngoài ra, là nhà đầu tư nước ngoài, Nhà đầu tư bắt buộc phải lập dự án đầu tư để thành lập trường Đại học (“Dự án Đầu tư”) và nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Đầu tư cho cơ quan cấp phép địa phương Việt Nam nơi dự kiến đặt trường Đại học (“Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”). Với mục tiêu thành lập trường Đại học, Dự án Đầu tư phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây theo Nghị Định 86:

(a) Vốn đầu tư

Dự án Đầu tư thành lập cơ sở giáo dục Đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư Dự án Đầu tư thực hiện việc chứng minh khả năng tài chính theo quy định của Luật đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường Đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

Dự án Đầu tư xin thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định ở trên.

(b) Cơ sở vật chất, thiết bị

  • Diện tích đất để xây dựng trường đạt bình quân ít nhất 25m2/sinh viên tại thời điểm có quy mô đào tạo cao nhất trong kế hoạch phát triển nhà trường;

  • Diện tích xây nhà bình quân ít nhất là 09 m2/sinh viên, trong đó diện tích học tập ít nhất là 06 m2/sinh viên, diện tích nhà ở và sinh hoạt của sinh viên ít nhất là 03 m2/sinh viên;

  • Có đủ số giảng đường, phòng học, phòng chức năng phù hợp và đáp ứng yêu cầu đào tạo theo ngành và phương thức tổ chức đào tạo;

  • Có đủ phòng làm việc, khu hành chính và ban giám hiệu bảo đảm đáp ứng được cơ cấu tổ chức phòng, ban, khoa, bộ môn chuyên môn, bảo đảm diện tích ít nhất là 08 m2/người;

  • Có hội trường, thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học - công nghệ;

  • Có nhà ăn, các công trình xây dựng phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hóa và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên và sinh viên;

  • Có khu công trình kỹ thuật, nhà để xe ô tô, xe máy, xe đạp.

Thuê cơ sở vật chất:

Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thuê cơ sở vật chất ổn định theo chu kỳ thời gian ít nhất 05 năm và phải bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng quy định trên.

(c) Chương trình giáo dục

Chương trình giáo dục thực hiện tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Theo đó, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức giảng dạy: (i) chương trình giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; (ii) chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài; (iii) chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của nước ngoài; chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của nước ngoài trong khuôn khổ các liên kết đào tạo với nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung giáo dục, đào tạo bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

(d) Đội ngũ nhà giáo của trường Đại học

  • Giảng viên ít nhất phải có trình độ thạc sĩ trở lên trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng số giảng viên, trừ những ngành đào tạo đặc thù do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định;

  • Tỷ lệ sinh viên/giảng viên tối đa là 10 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo năng khiếu, 15 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ, 25 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội, nhân văn và kinh tế - quản trị kinh doanh;

  • Cơ sở giáo dục phải có đủ số lượng giảng viên cơ hữu để đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành đào tạo;

  • Giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học trong cùng lĩnh vực giảng dạy trừ trường hợp giảng viên là người bản ngữ nước ngoài dạy kỹ năng ngoại ngữ tại cơ sở giáo dục đại học phải có bằng đại học trở lên và có chứng chỉ giảng dạy ngoại ngữ phù hợp.

Thủ tục thành lập trường Đại học

Theo Nghị định 86, việc thành lập trường Đại học sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Dự án Đầu tư thành lập trường Đại học được thực hiện theo ba bước:

Bước 1: Xin cấp chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư về thành lập trường Đại học;
Bước 2: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tại địa phương;
Bước 3:  Xin cấp quyết định thành lập trường Đại học bởi Thủ tướng Chính phủ;
Bước 4: Đăng ký hoạt động giáo dục của trường Đại học và và thông báo trên trang thông tin điện tử tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây