Chúng tôi trên mạng xã hội

Tổng Quan Về Chuyển Rủi Ro Trong Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa Quốc Tế Theo Cisg

Các quy tắc về việc chuyển rủi ro được quy định trong các Điều từ 66 đến 70 của CISG. Một cách vắn tắt, Điều 66 quy định các hậu quả pháp lý của việc chuyển rủi ro trong đó nêu rõ rằng người mua sẽ là bên gánh chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa một khi hàng hóa đó được chuyển giao cho người mua, ngoại trừ các mất mát hoặc thiệt hại xảy ra do 'một hành động hoặc thiếu sót của người bán’.[1] Mặc dù nguyên tắc chung vừa nêu, CISG liệt kê ba trường hợp hợp điển hình về chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Công ước này tại các Điều 67, Điều 68 và Điều 69.

Nói chung, Công ước gắng việc chuyển rủi ro với việc chuyển giao quyền chiếm hữu hàng hóa. Do đó, cách tiếp cận này đã tách việc chuyển rủi ro theo CISG khỏi việc chuyển quyền sở hữu, vốn là nguyên tắc chính của Luật mua bán hàng hóa Anh (SGA). Điều đáng lưu ý là CISG cũng không đề cập đến các vấn đề liên quan đến cách thức và thời điểm quyền sở hữu của hàng hóa được chuyển giao trong giao dịch mua bán quốc tế. Thay vào đó, vấn đề này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật các quốc gia thành viên.
[2]

Theo quy định của CISG, Điều 69 CISG được coi là quy tắc chung để phân bổ rủi trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.[3] Theo đó, đối với các giao dịch không được quy định tại các Điều 67 và Điều 68, rủi ro liên quan đến các mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa sẽ được chuyển từ người bán sang người mua khi người mua nhận hàng. Trong trường hợp người mua không trực tiếp tiếp nhận hàng hóa được giao theo hợp đồng, rủi ro được chuyển giao tại thời điểm hàng hóa đã được đặt dưới quyền định đoạt của người mua.[4] Tuy nhiên, đối với trường hợp này, CISG lại bỏ ngỏ việc liệu rằng người bán có cần thiết phải gửi thông báo cho người mua về sự sẵn sàng của hàng hóa hay không (hàng hóa đã được đặt dưới sự kiểm soát của người mua) để được xem là thời điểm chuyển giao rủi ro. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy hướng tiếp cận của CISG không đặt ra nghĩa vụ gửi thông báo như trên đối với người bán[5].

Tình huống cụ thể đầu tiên liên quan đến chuyển rủi ro trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được quy định bởi điều 67 CISG. Điều khoản này liệt kê ra hai tình huống khác nhau. Thứ nhất, trong trường hợp hợp đồng không yêu cầu hàng hóa phải được bàn giao tại một địa điểm được chỉ định, rủi ro sẽ được chuyển giao kể từ thời điểm hàng hóa được giao cho người vận chuyển đầu tiên.[1] Thứ hai, nếu điều kiện giao hàng yêu cầu hàng phải được giao tại một địa điểm cụ thể, người bán chỉ được giải phóng khỏi trách nhiệm gánh chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa khi hàng hóa được giao cho người vận chuyển tại địa điểm đã chỉ định đó.[2] Tuy nhiên, việc chuyển giao rủi ro sẽ không xảy ra cho đến khi hàng hóa được xác định rõ ràng trong hợp đồng mua bán.[3] Trong cả hai trường hợp, vai trò của người vận chuyển là rất quan trọng. Điều đáng chú ý là người vận chuyển theo CISG phải là một bên độc lập với các bên trong hợp đồng. Điều đó có nghĩa là nếu người vận chuyển là người bán, thì rủi ro vẫn còn đối với bên này.[4] Hơn nữa, việc phân chia rủi ro dựa trên một người vận chuyển cũng làm tăng mối lo ngại thực tế. Thật vậy, sẽ rất khó để các bên xác định chính xác liệu rằng hàng hóa có bị tổn thất và thiệt hại trước hay sau khi hàng hóa được giao cho người vận chuyển.[5] Câu thứ ba của Điều 67 (1) CISG cũng bác bỏ khả năng tồn tại cách hiểu chồng lấn nhầm lẫn giữa việc chuyển giao chứng từ và chuyển giao hàng hóa trên thực tế. Thật vậy, việc trên thực tế các chứng từ liên quan đến hàng hóa được người bán giữ lại sẽ không ảnh hưởng đến thời chuyển giao rủi ro. Thay vào đó, việc chuyển giao chứng từ sẽ chỉ có ý nghĩa trong việc xác định vấn đề thanh toán.[6]

Tình huống quan trọng khác được điều chỉnh bởi CISG là hợp đồng mua bán được ký kết tại thời điểm hàng hóa đang trên đường vận chuyển. Trong trường hợp này, về nguyên tắc, rủi ro được chuyển giao cho người mua tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán với một ngoại lệ được đề cập trong Điều 68.[7] Điều đó có nghĩa là việc chuyển rủi ro trong bán hàng có hiệu lực hồi tố. Trong trường hợp này, có thể hiểu rằng rủi ro không chuyển cho người mua tại thời điểm hàng hóa được tiếp nhận bởi người vận chuyển đầu tiên như quy định tại Điều 67 bởi vì người mua chỉ được xác định trong quá trình hàng hóa đang trên đường vận chuyển.. Mặc dù yêu cầu về việc hàng hóa phải xác định không được đề cập trong Điều 68, tồn tại nhiều ý kiến ​​cho rằng, để rủi ro được chuyển cho người mua, hàng hóa trong trường hợp này vẫn phải được xác định rõ ràng.[8] Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng hướng tiếp cận các quy định về chuyển rủi ro liên quan đến hàng hóa được bán trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là trao cho nó hiệu lực hồi tố, là khá hướng tiếp cận khá tham vọng. Lý do là vì yếu tố hồi tố rất khó xác định một cách rõ ràng trong một số trường hợp. Ví dụ, Điều 68 CISG không đề cập đến các trường hợp mà trong đó điều kiện giao hàng có quy định về thời điểm chuyển rủi ro khác nhau, chẳng hạn như tại thời điểm hàng hóa được đưa đến điểm đích[9].

Tuy nhiên, rủi ro sẽ được hồi tố cho người mua kể từ thời điểm bàn giao hàng hóa cho người vận chuyển đầu tiên nếu ‘hoàn cảnh như vậy chỉ ra’
[10]. Nói cách khác, người mua sẽ chịu mọi tổn thất của hàng hóa hợp đồng ngay cả trước khi ký kết hợp đồng mua bán. Vấn đề là yếu tố ‘hoàn cảnh’ mà điều khoản đề cập đến có ý nghĩa rất mơ hồ. Dựa theo cách diễn đạt của điều khoản này, dường như 'hoàn cảnh' không tương đương với 'điều kiện thương mại'.[11] Thay vào đó, thuật ngữ này nên được hiểu là thể hiện ý định ngụ ý của các bên ký kết hợp đồng[12]. Tình huống phổ biến của trường hợp này là chuyển giao bảo hiểm từ người bán cho người mua.[13] Việc chuyển giao làm cho người mua là đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, rõ ràng điều này thể hiện ý định chuyển giao rủi ro của hàng hóa.[14]
Đáng chú ý, ngay cả trong trường hợp người bán vi phạm hợp đồng, việc chuyển rủi ro vẫn không bị ảnh hưởng[15]. Cần lưu ý rằng các vi phạm theo nghĩa của Điều 70 chỉ là những vi phạm mà nó không phải là nguyên nhân gây ra sự mất mát hoặc thiệt hại cho hàng hóa. Lý do là vì nếu thiệt hhaijbij gây ra do một hành động hoặc thiếu sót của người bán, rủi ro sẽ được giải quyết theo duy định tại Điều 66 CISG.


[1] Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (được thông qua ngày 11 tháng 4 năm 1980, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1988) 1489 U.N.T.S. 3 (CISG) Điều 66
[2] Hayward, Zeller and Andersen (n 3) 619.
[3] Alazemi (n 4) 8.
[4] CISG, Điều 69.1
[5] Andersen, Schroeter and Kritzer (n 7) 77–105.
[6] CISG, Điều 67.1
[7] CISG, Điều 67.1
[8] CISG, Điều 67.2
[9] Manuel Gustin, ‘Passing of Risk and Impossibility of Performance under the CISG’ (2001) 3 International Business Law Journal 379, 382.
[10] ibid 383
[11] Harold J Berman and Monica Ladd, ‘Risk of Loss or Damage in Documentary Transactions under the Convention on the International Sale of Goods’ (1988) 21 Cornell International Law Journal 423, 328–329.
[12] CISG, Điều 68
[13] Gustin (n 21) 385.
[14] Hayward, Zeller and Andersen (n 3) 637.
[15] CISG, Điều 68
[16] Berman and Ladd (n 23) 430.
[17] Peter Schlechtriem and Petra Butler, UN Law on International Sales (Springer Berlin Heidelberg 2009) 169
[18] ibid
[19] Valioti (n 10) 16.
[20] CISG, Điều 70

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây