Những Bất Cập Trong Quá Trình Thực Hiện Thừa Kế Di Sản Khi Không Có Di Chúc
Pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện để phù hợp với tình hình chính trị, xã hội thực tế, trong đó các chế định về thừa kế cũng ngày càng được quan tâm bởi đây là một trong những vấn đề thường xuyên phát sinh trong cuộc sống và có nhiều vấn đề liên quan cần giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu các quy phạm pháp luật cũng như quá trình áp dụng trong thực tiễn, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số bất cập trong quá trình thực hiện thừa kế tài sản của người chết khi không có di chúc như sau:
Thứ nhất, chưa có căn cứ pháp luật để xác định quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế để phát sinh quyền thừa kế di sản
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì trường hợp người chết không có di chúc – một trong những cơ sở để phân chia tài sản của người chết theo ý chí của họ, thì di sản của họ sẽ được thừa kế theo pháp luật, nghĩa là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Theo quy đinh tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thừa kế theo pháp luật gồm có ba hàng thừa kế như sau:
-
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
-
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
-
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo đó, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trong quy định về các hàng thừa kế không bao gồm con riêng của chồng, vợ. Tuy nhiên, tại điều 654 Bộ luật Dân Sự 2015 có quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế cụ thể: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”. Như vậy, để phát sinh quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế thì pháp luật quy định giữa con riêng và bố dượng hoặc giữa con riêng và mẹ kế phải có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con.
Song, quy định trên rất chung và chưa có bất kỳ quy định pháp luật cụ thể nào quy định về các tiêu chí đánh giá, phạm vi chăm sóc, nuôi dưỡng; về độ tuổi của người được nuôi dưỡng,… để có thể xác định, chứng minh giữa họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con hay không.
Do đó, trên thực tiễn khi áp dụng quy định để giải quyết các trường hợp cụ thể thì có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Một thực tế đó là khi có các tranh chấp thừa kế liên quan đến quyền thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế thì việc đánh giá liệu giữa những chủ thể này có quan hệ chăm sóc, nuôi sưỡng hay không tùy thuộc vào người giải quyết, từng trường hợp, phong tục tập quán mỗi nơi, sự phụ thuộc giữa con riêng, bố dượng, mẹ kế với nhau,… theo đó, có nhiều cách giải quyết khác nhau chẳng hạn như có trường hợp sẽ cho hưởng thừa kế, có trường hợp trích công sức chăm sóc, nuôi dưỡng cho họ, có trường hợp không cho hưởng thừa kế vì giữa họ không được xem là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con.
Thứ hai, việc niêm yết văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản mang tính hình thức
Để phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, người thừa kế theo pháp luật phải tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế (đối với trường hợp có duy nhất một người được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản) hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (đối với trường hợp những người thừa kế theo pháp luật thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản). Theo đó, văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản được lập phải được công chứng bởi (i) tổ chức hành nghề công chứng, ủy ban nhân dân xã, phường bất kỳ (đối với di sản là động sản) hoặc (ii) tổ chức hành nghề công chứng, ủy ban nhân dân xã, phường trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có tài sản (đối với di sản là bất động sản).
Trước khi thực hiện việc công chứng, tổ chức hành nghề công chứng sẽ có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản trong thời hạn 15 ngày tại (i) Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản hoặc tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng; và (ii) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản nếu di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản nhằm đảm bảo việc khai nhận thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của những người thừa kế không có bất kỳ tranh chấp, khiếu nại hay tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản để làm cơ sở cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng văn bản khai nhận thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cho những người thừa kế theo pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc niêm yết tại các Ủy ban nhân dân cấp xã như vậy chỉ mang tính hình thức, không mang lại hiệu quả. Bởi vì, việc niêm yết ở Uỷ ban nhân dân cấp xã không được phổ biển, thông báo rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau và cũng không có quy định về việc các cán bộ địa chính, cán bộ có liên quan có trách nhiệm tiền hành xác minh tình trạng tài sản đang được khai nhận là di sản xem có tranh chấp không để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quans mà chỉ niêm yết tại trụ sở ủy ban, do đó, những cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến các tài sản nêu trong văn bản được niêm yết khó có thể biết được về việc niêm yết này để có ý kiến, khiếu nại (nếu có) nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Với một số điểm bất cập nêu trên, thiết nghĩ cần có những quy định pháp luật, hướng dẫn cụ thể, chi tiết và hợp lý hơn để có thể căn cứ vào đó để xử lý khi thừa kế phát sinh, tránh sự tùy tiện theo ý chí chủ quan của người xử lý, giải quyết và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người thừa kế, những cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Xem thêm: Một số bất cập và lưu ý trong vấn đề thừa kế tại Việt Nam hiện nay.
Chúng tôi trên mạng xã hội