Chúng tôi trên mạng xã hội

Công Đoàn - Thủ Tục Thành Lập Và Điều Kiện Duy Trì Hoạt Động Công Đoàn Cơ Sở

Công đoàn là một thuật ngữ quen thuộc với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính quyền trong đảng, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp tư nhân thì thuật ngữ này còn khá xa lạ và không được phổ biến rộng rãi. Như vậy, công đoàn là gì, quy trình thành lập và điều kiện duy trì hoạt động công đoàn như thế nào, những thắc mắc này sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây. Và bài viết dưới đây chỉ giới hạn trong phạm vi liên quan đến doanh nghiệp và người lao động.

Công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội của người lao động, Công đoàn được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện của người lao động. Công đoàn được phân thành Công đoàn cơ sở hoạt động tại các doanh nghiệp,… và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện nhiệm vụ liên kết, chỉ đạo hoạt động của Công đoàn cơ sở và thường là Công đoàn cấp quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở kinh doanh.

Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hợp tác xã có sử dụng lao động theo pháp luật về lao động, bao gồm cả các chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng lao động là người Việt Nam (Sau đây gọi tắt là “Doanh nghiệp”) được thành lập công đoàn cơ sở khi có đủ hai điều kiện là có tư cách pháp nhân đầy đủ và phải có ít nhất năm (05) đoàn viên công đoàn hoặc năm (05) người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì sẽ đủ điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở.

Khi doanh nghiệp bạn muốn thành lập công đoàn cơ sở cho người lao động thì cẩn tuân thủ quy trình sau:

1. Đầu tiên, khi có từ ba (03) người lao động trở lên đang làm việc cho doanh nghiệp tự nguyện gia nhập công đoàn thì phải có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam gửi đến Công đoàn cấp trên trực tiếp. Sau đó tiến hành bầu Trưởng ban vận động để vận động người lao động gia nhập Công đoàn đảm bảo ít nhất có năm (05) người lao động tự nguyên và có đơn tự nguyên gia nhập Công đoàn.

Sau đó, doanh nghiệp tiến hành các hồ sơ nội bộ doanh nghiệp như: đề cử Ban chấp hành lâm thời gồm có ba (03) người là Chủ tịch Công đoàn và hai (02) Ủy viên Ban chấp hành; phương hướng hoạt động của công đoàn,…

2. Hoàn tất hồ sơ thành lập công đoàn cơ sở bao gồm: Bản sao Giấy phép đăng ký hoạt động doanh nghiệp, Công văn đề nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Danh sách kết nạp đoàn viên, Danh sách đề cử Ban chấp hành lâm thời, Phương hướng hoạt động của công đoàn cơ sở, Đơn xin gia nhập Công đoàn của Đoàn viên lao động tại doanh nghiệp (kèm theo ảnh thẻ 2x3 để làm thẻ đoàn viên). Cử đại diện nộp hồ sơ gốc về Công đoàn cấp trên quản lý trực tiếp.
 

3. Công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở. Và thỏa thuận với Chủ doanh nghiệp và các đoàn viên công đoàn để xác định một ngày cụ thể để tổ chức buổi lễ Công bố quyết định thành lập Công đoàn cơ sở và công nhận đoàn viên cho người lao động tự nguyên tham gia công đoàn.
 

4. Tiến hành mở tài khoản ngân hàng (nếu doanh nghiệp có trên 15 người lao động) và theo sự hướng dẫn của Công đoàn cấp trên trực tiếp tiến hành làm dấu công đoàn tại Công an quản lý về con dấu.
 

Điều kiện để duy trì hoạt động của Công đoàn cơ sở là phải luôn đảm bảo tối thiểu có năm (05) đoàn viên hoạt động công đoàn. Đồng thời đoàn viên phải thực hiện nghĩa vụ đóng Đoàn phí công đoàn tương ứng với 1% mức lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội của đoàn viên đó và Kế toán công đoàn phải thực hiện các báo cáo tình hình hoạt động, báo cáo thu chi công đoàn cho công đoàn cấp trên trực tiếp, điều này giống như hoạt động kinh doanh của một pháp nhân, có nghĩa vụ ghi nhận lại tình hình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp mình. Trường hợp Công đoàn cơ sở không đảm bảo các nội dung trên thì tiến hành nộp Đơn xin giải thể Công đoàn cơ sở kèm theo Báo cáo quyết toán tài chính và gửi về Công đoàn cấp trên trực tiếp để được giải quyết. Đồng thời, Công đoàn cơ sở liên hệ với Công đoàn thành phố để được hướng dẫn chi tiết về việc trả dấu công đoàn.

Trong quá trình hoạt động, Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp được trích chuyển lại Kinh phí công đoàn bằng 69% (tỷ lệ này có thể thay đổi theo từng năm) trên 2% của tổng mức đóng bảo hiểm xã hội của cho tất cả người lao động của doanh nghiệp và được giữ lại Đoàn phí công đoàn 40% trên tổng mức đóng 1% mức đóng bảo hiểm xã hội của mỗi người lao động.

Điều này có thể thấy, hoạt động công đoàn đang được Nhà nước quan tâm và bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, tuy nhiên hoạt đông của Công đoàn cơ sở là phức tạp và có quy trình rõ rang, vì vậy đối với những doanh nghiệp có số lao động đông như các doanh nghiệp về sản xuất, xây dựng thì nên thành lập công đoàn, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập thì tổ chức công đoàn sẽ ít chặt chẽ và không đảm bảo được mục đích hoạt động.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây