Chúng tôi trên mạng xã hội

Một vài vấn đề về chuyển đổi các loại hình doanh nghiệp

Chuyển đổi các loại hình doanh nghiệp là việc làm thay đổi hình thức pháp lý của doanh nghiệp từ loại hình này sang một loại hình khác. Hiện nay, trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp diễn ra ngày càng phổ biến và tùy thuộc vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp thì sẽ có sự lựa chọn loại hình cho phù hợp. Tuy nhiên, khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp trong 04 trường hợp: “1. Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần; 2. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; 3. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; 4. Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn”. Đối với các trường hợp chuyển đổi loại hình khác 04 trường hợp kể trên sẽ không được pháp luật thừa nhận. Tùy vào từng trường hợp của doanh nghiệp mà việc chuyển đổi loại hình sẽ khác nhau. Ví dụ là việc chuyển đổi từ công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi: “1. Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần từ các cổ đông còn lại; 2. Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần từ cổ đông hiện hữu; 3. Công ty chỉ còn lại một cổ đông và không thể đáp ứng điều kiện số lượng cổ đông tối thiểu là ba. Lưu ý thêm rằng đối với trường hợp chuyển nhượng thì cá nhân chuyển nhượng cần phải tiến hành thông báo với cơ quan thuế trong vòng 10 ngày kể từ ngày chuyển nhượng để kê khai thuế thu nhập cá nhân.

Thứ hai là việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Căn cứ theo điều 7 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định: “Doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp không phải quyết toán thuế theo quy định)…”. Tuy nhiên, đối với trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi (như chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH sang Công ty cổ phần hoặc ngược lại thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi, doanh nghiệp chỉ khai quyết toán thuế năm theo quy định.

Thứ ba là việc tiếp tục sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp chuyển đổi loại hình sẽ dẫn đến việc tên của doanh nghiệp sẽ bị thay đổi và dĩ nhiên tên của doanh nghiệp xuất hiện trên hóa đơn trước đó cũng bị thay đổi theo. Trong trường hợp vẫn còn hóa đơn và muốn tiếp tục sử dụng hóa đơn cũ thì phải: “1. Đóng dấu tên, địa chỉ mới (nếu có) vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn trước đó để tiếp tục sử dụng. 2. Gửi thông báo điều chỉnh lại thông tin tại mục Thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp”. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của doanh nghiệp nhưng khai thuế GTGT riêng thì từng đơn vị trực thuộc, chi nhánh phải gửi Thông báo phát hành cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Còn nếu doanh nghiệp khai thuế GTGT cho đơn vị trực thuộc, chi nhánh thì các đơn vị này không phải Thông báo phát hành hóa đơn nữa. Ngược lại, trường hợp doanh nghiệp không muốn sử dụng lại hóa đơn cũ và có nhu cầu chuyển sang dùng hóa đơn mới thì tiến hành thủ tục hủy số lượng hóa đơn còn lại chưa sử dụng và làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn.

Thứ tư là việc thay đổi con dấu. Hiện nay, thông tin về tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp bắt buộc phải được thể hiện trên con dấu. Khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, tức phần tên doanh nghiệp sẽ bị thay đổi, do đó sẽ dẫn đến việc thay đổi thông tin trên con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần liên hệ với các đơn vị khắc dấu để đặt con dấu mới và tiến hành thông báo về việc thay đổi mẫu con dấu đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Việc thông báo về việc thay đổi mẫu con dấu sẽ làm theo mẫu được quy định tại thông tư 02/2019/TT-BKHDT và chỉ mất 01 ngày để được đăng trên Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thứ năm là việc thay đổi thông tin các tài sản đăng ký sở hữu bởi doanh nghiệp. Đối với một số loại tài sản cần phải đăng ký sở hữu như xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,… sau khi thay đổi loại hình doanh nghiệp dẫn đến thay đổi tên doanh nghiệp thì các tài sản đó cần được cập nhật theo tên mới. Ngoài ra, một trong các việc cần làm sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là thông báo đến cho các cơ quan liên quan như thuế, ngân hàng, đối tác, bảo hiểm. 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây