Chúng tôi trên mạng xã hội

Công ty Apple và câu chuyện nhập khẩu song song hoặc xâm phạm nhãn hiệu

Vào ngày 24/3/2017, công ty VOTRAN – đơn vị đại diện về sở hữu công nghiệp của Công ty Apple tại Việt Nam đã có văn bản gửi các nhà bán lẻ Việt Nam hiện đang kinh doanh các dòng sản phẩm của Apple mà không được sự cho phép của công ty này. Tổng quan, công văn này yêu cầu các nhà bán lẻ chưa được ủy quyền dừng (i) kinh doanh các dòng sản phẩm có các nhãn hiệu của Apple và (ii) dừng sử dụng các nhãn hiệu đó trên biển hiệu cửa hàng của mình.

Yêu cầu (ii) của VOTRA là hợp lý vì việc sử dụng nhãn hiệu của một tổ chức bất kỳ cho mục đích kinh doanh mà không được sự cho phép của tổ chức đó sẽ bị xem là xâm phạm nhãn hiệu. Tuy nhiên, đối với yêu cầu (i), VOTRA có thể sẽ không thể buộc các nhà bán lẻ dừng kinh doanh các sản phẩn của Apple nếu các sản phẩm đó là hàng thật được đưa vào thị trường thông qua nhập khẩu song song.

I. “NHẬP KHẨU SONG SONG” LÀ GÌ?

Công ty A là chủ sở hữu đối với nhãn hiệu “XXX” sử dụng cho máy tính xách tay được sản xuất bởi công ty này ở nước ngoài. Sau đó, Công ty A cho phép Công ty B là công ty con của mình ở Việt Nam độc quyền phân phối máy tính xách tay có nhãn hiệu “XXX” tại thị trường Việt Nam. Cùng lúc đó, Công ty C thành lập theo pháp luật Việt Nam cũng nhập khẩu các máy tính xách tay nói trên do Công ty A sản xuất từ Nhật về Việt Nam để phân phối. Hoạt động thương mại này của Công ty C được gọi là “Nhập khẩu song song”, tức là khi “một sản phẩm được sản xuất hợp pháp tại nước ngoài được nhập khẩu mà không có sự cho phép của chủ sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm đó (ví dụ: chủ sở hữu nhãn hiệu hay sáng chế)”
[1]   

Mặc dù hiện tượng này được biết đến rộng rãi và diễn ra hàng ngày, nhưng lại chưa được điều chỉnh một cách chính thức và thống nhất trong bất kỳ điều ước quốc tế nào và được để mở cho các quốc gia và vùng lãnh thổ tự điều chỉnh. Ví dụ, tại Nhật Bản, “Trong năm 2003, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã lần đầu tiên ra quy định rằng nếu sản phẩm được nhập khẩu song song đáp ứng bài kiểm định ba phần về - xác định nhãn hiệu , xác định nguồn gốc và xác định chất lượng – sẽ được xem là “không vi phạm pháp luật nghiêm trọng”. Đây là quy định nổi tiếng trong vụ việc Fred Perry
[2].”[3]

Cơ sở lý luận của nhập khẩu song song là “học thuyết hết quyền sở hữu trí tuệ” (exhaustion doctrine)[4] hay “học thuyết bán ra lần đầu”, nhằm giới hạn quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, “Sau khi một sản phẩm được bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, chẳng hạn quyền sáng chế, được bán đi bởi chính chủ sở hữu các quyền sở hữu trí tuệ đó hoặc người được chủ sở hữu trao quyền bán, thì các quyền này bị xem là hết tính độc quyền. Khi đó, quyền này không còn do chủ sở hữu độc quyền thực hiện”. Nói cách khác, một khi chủ sở hữu một sản phẩm hay người đại diện của nó được ủy quyền phân phối các sản phẩm lần đầu trong thị trường, thì sau đó bất kỳ người mua nào của có thể dùng, bán lại hoặc cho thuê sản phẩm của mình.

II. PHÁP LUẬT VIỆT NAM ĐIỀU CHỈNH NHƯ THẾ NÀO?

Ở Việt Nam, “nhập khẩu song song” được định nghĩa tại Điều 18 Khoản 1 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN, cụ thể như sau: “Nhập khẩu song song theo quy định tại 
Khoản 2 Điều 26 Nghị định 99/2013/NĐ-CP là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài một cách hợp pháp, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.”[5] Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 18, nhập khẩu song song không bị xem là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và không bị xử phạt.

Như vậy, theo luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng được phép nhập khẩu và bán các sản phẩm mà không cần xin phép chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đó miễn là sản phẩm đó đáp ứng hai điều kiện:

 

  1. Sản phẩm được chính chủ sở hữu hoặc đơn vị được ủy quyền đại diện sản xuất ra; và

  2. Đã được “đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài một cách hợp pháp” hoặc các trường hợp khác theo quy định tại Điều 18 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN.

III. LỢI ÍCH CỦA NHẬP KHẨU SONG SONG

Mặc dù nhập khẩu song song có một số bất cập, những lợi ích của nó là không thể phủ nhận, cụ thể:

  • Thứ nhất, tuy bị xem là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng số lượng hàng giả, nhưng loại hình nhập khẩu này vẫn có những lợi ích kinh tế cho thị trường nội địa. Việc xuất hiện các đơn vị nhập khẩu song song trên thị trường giúp hạn chế khả năng độc quyền của nhà sản xuất gốc, từ đó hạn chế việc áp giá cao, bóc lột khách hàng và làm tăng chất lượng dịch vụ kèm theo việc bán hàng.

  • Thứ hai, nhập khẩu song song tạo cho nhiều cá nhân và các hộ gia đình cơ hội để kinh doanh các mặt hàng được nhập khẩu. Có thể thấy, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều các cửa hàng trực tuyến hay cửa hàng truyền thống buôn bán các thiết bị, phụ kiện điện tử, mỹ phẩm, quần áo hoặc thực phẩm bổ sung của các nhãn hiệu nổi tiếng. Trong tương lai, khi máy móc có khả năng thay thế dần các công việc do con người thực hiện, nhập khẩu song song có thể tạo ra một nguồn hàng để các cá nhân, hộ kinh doanh tiếp cận và buôn bán, tạo ra thu nhập cho mình.

IV. KẾT LUẬN

Như vậy, trong thông báo của công ty VOTRAN, yêu cầu dừng sử dụng các nhãn hiệu của Apple trên các biển hiệu, công cụ thương mại là hoàn toàn hợp lý về luật. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam các đơn vị nhập khẩu song song chỉ được “ Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;”, chứ không được sử dụng nhãn hiệu của các sản phẩm đó cho các hoạt động thương mại. Nói cách khác, các nhà bán lẻ phải dừng việc trưng bày các biển hiệu kinh doanh có sử dụng nhãn hiệu của Công ty Apple. Lý do là vì việc sử dụng các nhãn hiệu trái phép sẽ làm người tiêu dùng hiểu nhầm rằng các cửa hàng vi phạm là nhà phân phối do Công ty Apple ủy quyền, và như vậy, có khả năng danh tiếng của Apple sẽ bị ảnh hưởng nếu các cửa hàng đó buôn bán các sản phẩm là hàng nhái hoặc không tuân thủ các tiêu chuẩn về chăm sóc khách hàng của Công ty Apple.

Tuy nhiên, Công ty Apple và VOTRAN không thể ép buộc các nhà bán lẻ đang phân phối các sản phẩm chính hãng dừng việc kinh doanh theo luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam miễn là các biển hiệu, tờ rơi và các công cụ quảng cáo khác không có chứa các nhãn hiệu của Apple hay các dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Apple.

Đối với các nhà bán lẻ, về cơ bản, để có thể tránh các khiếu nại về việc kinh doanh hợp pháp các hàng hóa nhập khẩu song song, họ chỉ cần đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa mà mình kinh doanh (C/O là công cụ có giá trị chứng minh tốt nhất) và không được dùng tên, nhãn hiệu của hàng hóa/dịch vụ được nhập khẩu song song hoặc các dấu hiệu gần giống để quảng cáo hoặc thực hiện các hoạt động thương mại khác.


[1] https://www.wto.org/english/thewto_e/glossary_e/parallel_imports_e.htm
[2] Xem thêm tại: https://www.jpaa.or.jp/old/english/court_decisions/69FREDPERRYCase.pdf
[3] https://www.aacd.gr.jp/en/importing
[4] There are three different levels of exhaustion doctrine, including: nation; region and international. See more at: http://www.wipo.int/sme/en/ip_business/export/international_exhaustion.htm
[5] Khoản 1 Điều 18 Nghị Định 11/2015/NĐ-CP.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây