Chúng tôi trên mạng xã hội

Cơ chế mới khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam

I. Cơ chế mới khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Vào ngày 6 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam (“Quyết định 13”). Quyết định 13, sẽ có hiệu lực vào ngày 22 tháng 5 năm 2020, quy định một số ưu đãi và cơ chế khuyến khích cho các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Chúng tôi muốn gửi đến Quý Khách Hàng một số quy định đáng chú ý của Quyết định 13 như sau:

1| Phân loại các dự án năng lượng mặt trời

Quyết định 13 phân loại các dự án năng lượng mặt trời thành các dự án điện mặt trời nối lưới (gồm hai loại nhỏ hơn) và hệ thống điện mặt trời mái nhà, cụ thể:

 
  • Hệ thống điện mặt trời mái nhà: là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của Bên mua điện;
  • Dự án điện mặt trời nối lưới: là dự án điện mặt trời được đấu nối trực tiếp vào lưới điện quốc gia, bao gồm:
    • Dự án điện mặt trời nổi: là dự án điện mặt trời nối lưới có các tấm quang điện được lắp đặt trên cấu trúc nổi trên mặt nước;
    • Dự án điện mặt trời mặt đất: là dự án điện mặt trời nối lưới không phải là dự án điện mặt trời nổi.
2| Giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Quyết định 13 là quy định về giá mua điện áp dụng cho các dự án năng lượng mặt trời không có ngày vận hành thương mại trước ngày 30 tháng 6 năm 2019 theo quy định tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23 tháng 11 năm 2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện như sau:

 
  • Dự án điện mặt trời nổi: 1.783 VNĐ (7,69USD);
  • Dự án điện mặt trời mặt đất:1.644 VNĐ (7,09 USD).
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền thực hiện thanh toán lượng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà phát lên lưới điện quốc gia theo giá mua điện là 1.943 VNĐ (8,38 USD).

3| Biểu giá điện hỗ trợ áp dụng tại tỉnh Ninh Thuận

Đối với tỉnh Ninh Thuận, Quyết định 13 tiếp tục đưa ra các ưu đãi cho các dự án tại tỉnh này.

Theo đó, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10 tháng 4 năm 2017 là 22.316 đồng/USD), được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày Bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán.


II. Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Vào ngày 08 tháng 4 năm 2020, Chính Phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP căn theo các đề nghị của Bộ Tài Chính như đã nêu ở trên để quy định định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định số 41/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngay kể từ ngày ký ban hành là ngày 08 tháng 4 năm 2020. Cụ thể, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP có nội dung như sau:

Đối tượng áp dụng:

1| Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau:

a) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

b) Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;

c) Xây dựng.

2| Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:

a) Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;

b) Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;

c) Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim.

Danh mục ngành kinh tế nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

3| Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

4| Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5| Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng để cơ quan quản lý thuế thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.

6| Ngành kinh tế, lĩnh vực của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này là ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2019 hoặc năm 2020.

Các sắc thuế được hỗ trợ:

1| Thuế Giá Trị Gia Tăng (Thuế VAT) (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu)

a) Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng, quý theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa phải nộp số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế giá trị gia tăng đã kê khai. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý được gia hạn như sau:

 
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 9 năm 2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 10 năm 2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý 1 năm 2020 chậm nhất là ngày 30 tháng 9 năm 2020.
  • Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý 2 năm 2020 chậm nhất là ngày 30 tháng 12 năm 2020.
b) Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế giá trị gia tăng riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng.

2| Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp:

Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc đối tượng được quy định tại Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 vào ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp, tổ chức được điều chỉnh số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp để nộp cho số phải nộp của các loại thuế khác. Để thực hiện điều chỉnh, người nộp thuế lập thư tra soát (Mẫu số C1-11/NS ban hành kèm theo Thông tư số 84/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính) kèm theo chứng từ nộp thuế hoặc thông tin liên quan đến nội dung đề nghị điều chỉnh gửi cơ quan thuế.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

3| Tiền thuê đất:

a) Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP  đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 05 tháng kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2010.

b) Quy định này áp dụng cho cả trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều Quyết định, Hợp đồng thuê đất trực tiếp của Nhà nước và có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP  thì: doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn toàn bộ số thuế giá trị gia tăng, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được gia hạn toàn bộ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo hướng dẫn tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây