Thư Cập Nhật Nhanh Thông Tin Pháp Lý 2/12/2019
Các vấn đề quan trọng về Dự Thảo Cơ Chế Khuyến Khích Điện Mặt Trời
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019.
Theo Thông báo, Chính phủ tiếp tục tập trung phát triển các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng tăng trưởng nóng trong thời gian quan, Thủ tướng yêu cầu cần phải tính toán cơ cấu các nguồn điện một cách khoa học và phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu.
Các dự án phát triển điện mặt trời thời gian tới phải tập trung cho những nơi có tiềm năng và lợi thế, có điều kiện phát triển tốt; ưu tiên khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời trên mái nhà… Phát triển điện mặt trời phải tuân thủ quy hoạch và đảm bảo cân bằng hệ thống điện, tránh phát triển ồ ạt gây tác động lớn đến giá thành sản xuất điện toàn hệ thống, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư – người dân.
Một điểm đặc biệt quan trọng cho những nhà đầu tư đã đầu tư vào các dự án điện mặt trời, Thủ Tướng yêu cầu không hồi tố quy định về giá điện đối với dự án điện mặt trời đã dược áp dụng biểu giá khuyến khích cố định (FIT) theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, tạo điều kiện cho phát triển hợp lý và đảm bảo lợi ích hợp pháp nhà đầu tư.
Ngoài ra, Thủ Tướng yêu cầu thống nhất việc ban hành biểu giá FIT áp dụng chung cho điện mặt trời trên mái nhà trong phạm vi cả nước và trong thời gian nhất định; xem xét ban hành biểu giá FIT để áp dụng với các dự án đã ký Hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020. Đối với các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời.
Riêng về giá điện mặt trời áp dụng với dự án ở Ninh Thuận, Thông báo nêu rõ, thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023; áp dụng cho đến khi Ninh Thuận đạt đủ quy mô công suất 2000 MW hoặc đến hết năm 2020 tùy theo tiêu chí nào đến trước.
Chúng tôi trên mạng xã hội