Chúng tôi trên mạng xã hội

Tranh Chấp Giữa Lê Linh Và Công Ty Phan Thị: Đánh Giá Vụ Việc Theo Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005

Cuối năm 2018, tranh chấp về quyền tác giả giữa ông Lê Linh và công ty Phan Thị đối với hình tượng bốn nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện tranh “Thần Đồng Đất Việt” được đưa ra xét xử sơ thẩm. Theo đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm (HĐXX) công nhận ông Linh (nguyên đơn) là tác giả duy nhất của, đồng thời, buộc công ty Phan Thị (bị đơn) xin lỗi công khai và chi trả phí luật sư cho nguyên đơn. Quyết định trên của tòa sơ thẩm cũng được tòa cấp phúc thẩm đồng ý giữ nguyên.

Theo thông tin từ các trang báo, HĐXX ở cả hai cấp đều đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn dựa trên hai lập luận như sau:

  1. Ông Linh là tác giả của hình tượng bốn nhân vật chính trong bộ truyện vì ông là người đã trực tiếp vẽ ra các nhân vật này, ý tưởng trong đầu của bà Hạnh không được bảo hộ;
  2. Mặc dù thừa nhận ông Linh là người làm thuê cho công ty Phan Thị và công ty này cũng được hưởng quyền làm tác phẩm phái sinh trên cơ sở đó, song công ty và bà Hạnh đã có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của ông Linh khi thể hiện sai hình tượng gốc của các nhân vật chính trong các bộ truyện khác của mình.

Tác giả là ai?

Trước hết, điểm mấu chốt để giải thích lập luận số 1 của HĐXX là điều kiện để một tác phẩm được bảo hộ là khi nó được “thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định”
[1]. Nói cách khác, pháp luật bảo hộ cho hình thức chứa đựng hoặc thể hiện của một ý tưởng, chứ không bảo hộ cho bản thân ý tưởng đó. Như vậy, với định nghĩa tác giả là người trực tiếp sáng tạo, định hình cho tác phẩm[2], việc ông Linh được kết luận là tác giả duy nhất là hợp lý vì, dựa trên các bằng chứng và lời khai của hai bên, hình tượng 04 nhân vật chính do ông trực tiếp vẽ và hoàn thiện.  

Nếu giả định rằng bà Hạnh là đồng tác giả, thì phía bị đơn phải chứng minh được bà này đáp ứng điều kiện để được xem là đồng tác giả như luật định, tức là bà Hạnh phải cùng ông Linh trực tiếp vẽ ra hình tượng của các nhân vật
[3]. Tuy nhiên, các bằng chứng trên thực tế lại cho thấy bà Hạnh chỉ là người đưa ra ý tưởng, góp ý cho ông Linh thực hiện, nên theo quy định hiện hành không được xem là tác giả hoặc đồng tác giả[4].

Có nên bảo hộ quyền tác giả với ý tưởng?

Theo cách hiểu thông thường, “ý tưởng” là một dạng phi vật chất và mang tính chủ quan, và việc bảo hộ công khai cho một thứ mà không ai có thể xác định được hình dạng của nó một cách nhất quán có vẻ không hợp lý. Rõ ràng, bất cứ ai cũng có thể cùng đưa ra ý tưởng về, ví dụ “một người con gái đẹp”, nhưng khi họ đặt bút vẽ ra người con gái đó, hình tượng thể hiện trên thực tế sẽ không ai giống ai. Vậy vấn đề đặt ra, nếu một ý tưởng được bảo hộ, ý tưởng “người con gái đẹp” nào sẽ được bảo hộ.

Ở phạm vi pháp luật quốc tế, Công ước Berne đưa ra định nghĩa “"Các tác phẩm văn học và nghệ thuật" bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực … bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào…”
[5]. Theo đó có thể thấy, Công ước này cũng thừa nhận việc một tác phẩm chỉ được xem là tác phẩm khi nó được biểu hiện thành một hình thức cụ thể. Ngoài ra, một số quốc gia như Hoa Kỳ[6], Anh[7], Úc[8], … cũng thừa nhận rằng một tác phẩm chỉ được bảo hộ khi nó được thể hiện ra dưới một hình thức vật chất nhất định.

Chủ sở hữu quyền tác giả là ai?Trong pháp luật về sở hữu trí tuệ, “tác giả” và “chủ sở hữu quyền tác giả” là hai khái niệm riêng biệt, vì chủ sở hữu quyền tác giả, ngoài tác giả, thì còn có thể là tổ chức đã giao việc cho tác giả sáng tác nên tác phẩm (giữa tác giả và tổ chức giao việc là quan hê lao động)[9]. Do đó, vì công ty Phan Thị là người ký hợp đồng lao động với ông Linh và giao ông Linh sáng tạo các nhân vật cho bộ truyện nên cũng được xem là chủ sở hữu quyền tác giả bên cạnh ông Lê Linh, và như vậy công ty này sẽ có quyền tạo ra tác phẩm phái sinh từ hình tượng gốc của các nhân vật mà ông Linh đã vẽ[10]. Điều này giải thích vì sao bản án của HĐXX ghi nhận ông Linh là “tác giả duy nhất” chứ không phải “chủ sở hữu quyền tác giả duy nhất”.

Tuy nhiên, dựa trên chứng cứ các bên cung cấp, HĐXX nhận thấy các tác phẩm phái sinh của công ty Phan Thị đã vi phạm quyền bảo vệ tính toàn vẹn của các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo của ông Linh
[11], khi thể hiện các nhân vật này khác với bản gốc mà ông vẽ về thần thái, đường nét cũng như các góc độ của nhân vật đó. Do đó, HĐXX đã yêu cầu công ty này chấm dứt việc phát hành các tác phẩm phái sinh. Ở góc độ thực tiễn, để xác định một tác phẩm gốc có bị xâm phạm tính toàn vẹn đến mức gây thiệt hại cho danh dự và uy tín của tác giả hay không cũng còn nhiều khó khăn, vì quy định hiện tại không đưa ra các tiêu chí hay mức độ là quy chuẩn để xác định như thế nào là xâm phạm tính toàn vẹn. Cách giải quyết tốt nhất khi có tranh chấp có lẽ là trao quyền thẩm định lại cho các cơ quan chuyên môn như Cục bản quyền, và kết quả thẩm định của cơ quan này cho từng trường hợp sẽ là cơ sở để HĐXX tuyên bố.

Tóm lại, trong vụ việc tranh chấp giữa ông Linh và công ty Phan Thị, các lập luận và phán quyết của HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, vụ việc cũng như một lời nhắc nhở đến các tác giả Việt Nam về tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm của mình ngay từ thời điểm nó được định hình.


[1] Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
[2] Khoản 1 Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP.
[3] Khoản 2 Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP.
[4] Khoản 3 Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP.
[5] Điều 1.1 Công ước Berne.
[6] Điều 102 Luật Bản quyền Hoa Kỳ.
[7] Điều 4(2)(a) Đạo luật về Sáng chế, Kiểu dáng và Quyền tác giả
[8]
Australian Copyright Council, “An Introduction to Copyright in Australia”
[9] Điều 13 khoản 1 và Điều 39 khoản 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
[10] Điều 39 khoản 1 và Điều 20 khoản 1 điểm a), Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
[11] Điều 19 khoản 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây