Trình Tự Xử Lý Kỷ Luật Lao Động Và Những Thay Đổi Theo Pháp Luật Hiện Hành
Kỷ luật lao động là một trong những yếu tố, công cụ quan trọng không thể thiếu trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của các chủ doanh nghiệp. Kỷ luật lao động là một trong những nội dung bắt buộc cần có trong bản Nội quy lao động của mỗi doanh nghiệp, việc quy định kỷ luật lao động một cách chặt chẽ và thường xuyên cập nhật quy định pháp luật sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho người sử dụng lao động quản lý lao động một cách hiệu quả hơn.
Chính bởi tính áp dụng cao và quyết định đến việc xử phạt người lao động ở hình thức cao nhất có thể là sa thải người lao động, và việc sa thải này sẽ có những ảnh hưởng đến quyền cũng như lợi ích của người lao động, vì vậy pháp luật lao động quy định về các vấn đề này một cách chặt chẽ là hoàn toàn hợp lý. Khi soạn thảo các điều khoản liên quan đến xử lý kỷ luật lao động, đòi hỏi người sử dụng lao động phải tuân thủ và cập nhật quy định pháp luật mới vào Nội quy lao động của doanh nghiệp mình. Trường hợp các điều khoản này trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành thì sẽ bị Cơ quan quản lý về lao động yêu cầu sửa đổi, bổ sung và không chấp thuận đăng ký Nội quy lao động.
Hiện nay, xử lý kỷ luật lao động có các hình thức điển hình như khiển trách bằng miệng, khiển trách bằng văn bản, kéo dài thời hạn nâng lương không quá sáu (06) tháng, cách chức hoặc sa thải. Để làm căn cứ xử lý kỷ luật người lao động, người sử dụng lao động phải quy định cụ thể các trường hợp bị xử lý kỷ luật đối với từng hình thức tại Nội quy lao động. Và căn cứ để xử lý kỷ luật người lao động đó là người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chứng minh lỗi vi phạm của người lao động. Đồng thời, việc chứng minh lỗi vi phạm và xử lý kỷ luật lao động này phải có sự tham gia của Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp (sự tham gia của Công đoàn cấp trên trong trường hợp doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở). Ngoài ra, trong các giai đoạn xử lý kỷ luật kỷ luật lao động còn bắt buộc phải có sự có mặt của người lao động bị xử lý kỷ luật đó, nếu là người dưới 18 tuổi vi phạm kỷ luật lao động thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật. Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành văn bản và trước khi kết thúc cuộc họp xử lý kỷ luật văn bản này phải được thông qua các thành viên tham dự cuộc họp.
Trình tự xử lý kỷ luật cũng tuân thủ bởi một trình tự nhất định theo luật định, từ ngày 15/12/2018 trở đi trình tự này có một số thay đổi so với trình tự cũ. Vì vậy, các doanh nghiệp phải thực hiện việc cập nhật, sửa đổi Nội quy lao động tại Cơ quan quản lý về lao động có thẩm quyền, cụ thể là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở lao động – Thương binh và Xã hội. Trình tự xử lý kỷ luật lao động từ ngày 15/12/2018 trở đi được thực hiện như sau:
Bước 1: Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì ngay tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm người sử dụng lao động phải tiến hành lập biên bản vi phạm ngay tại thời điểm đó. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chứng minh lỗi vi phạm của người lao động và việc chứng minh lỗi này phải còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động.
Bước 2: Những người có thẩm quyền được phân quyền cụ thể tại Nội quy lao động của mỗi doanh nghiệp sẽ gửi thông báo bằng văn bản bao gồm nội dung cuộc họp, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật người lao động cho Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp; cho cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật trong trường hợp người lao động là người dưới 18 tuổi để tiến hành họp xử lý kỷ luật người lao động.
Bước 3: Trong thời hạn tối đa ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, thành phần tham dự phải xác nhận tham dự cuộc họp hoặc thông báo về lý do không tham dự cuộc họp. Trường hợp một trong các thành phần tham dự không xác nhận hoặc có lý do không chính đáng hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì doanh nghiệp tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật bao gồm: nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người khác.
Thông thường, nếu không có lý do đặc biệt thì cuộc họp xử lý kỷ luật người lao động sẽ được tiến hành khi có mặt đầy đủ của các thành phần tham dự được thông báo.
Bước 4: Lập biên bản cuộc họp xử lý kỷ luật người lao động và biên bản này được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp, nếu không đồng ý ký tên phải có lý do kèm theo.
Trên đây là trình tự để xử lý kỷ luật lao động được pháp luật lao động hiện hành quy định, việc cập nhật, sửa đổi và áp dụng là điều cần thiết dành cho các doanh nghiệp.
Chúng tôi trên mạng xã hội