Góp Vốn Thành Lập Công Ty Bằng Cổ Phần, Phần Vốn Góp
Theo xu thế phát triển, việc thành lập công ty ngày càng trở nên đơn giản, chủ sở hữu chỉ cần cung cấp bản sao y chứng minh nhân dân/hộ chiếu và điền vào một số hồ sơ mẫu là có thể thành lập được doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, khi xem xét từng vấn đề pháp lý với sự nghiên cứu một cách nghiêm túc, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định pháp luật khác nhau.
Theo quy định tại Điều 35 Luật Doanh Nghiệp 2014, cổ đông/thành viên góp vốn có thể thoả thuận tài sản góp vốn để thành lập công ty là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Các tài sản khác có thể được định giá bằng tiền có thể là một phần hoặc toàn bộ cổ phần/phần vốn góp mà các cổ đông/thành viên góp vốn đang sở hữu tại một công ty khác. Khi thực hiện góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng cổ phần/ phần vốn góp, doanh nghiệp cần phải lưu ý những vấn đề sau:
1. Cổ đông/thành viên góp vốn phải có được sự chấp thuận của các cổ đông/thành viên góp vốn khác về việc sử dụng phần vốn góp của mình để góp vốn vào doanh nghiệp khác. Cụ thể như sau:
(i) Tài sản góp vốn là cổ phần trong Công ty Cổ Phần: mặc dù Luật Doanh Nghiệp 2014 chưa quy định điều kiện để cổ đông sử dụng cổ phần của mình để góp vốn vào doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, hoạt động này được xem như việc chuyển nhượng cổ phần và phải tuân thủ theo quy định tại Điều 126 Luật Doanh Nghiệp 2014. Cụ thể như sau:
-
Cổ đông được quyền tự do sử dụng cổ phần của mình để góp vốn thành lập doanh nghiệp khác mà không cần có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật Doanh Nghiệp 2014 và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần.
-
Khoản 3 Điều 119 của Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được phép sử dụng cổ phần của mình để góp vốn thành lập doanh nghiệp khác nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định sử dụng cổ phần để góp vốn thành lập doanh nghiệp khác không có quyền biểu quyết về việc này. Xin lưu ý rằng, hạn chế này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.
(ii) Tài sản góp vốn là phần vốn góp trong Công ty TNHH: tương tự như trên, Luật Doanh Nghiệp 2014 chưa có quy định về việc thành viên góp vốn sử dụng phần vốn góp của mình để góp vốn thành lập doanh nghiệp khác. Việc áp dụng theo quy định tại Điều 53 Luật Doanh Nghiệp 2014 cho trường hợp này là chưa phù hợp, cụ thể là thành viên góp vốn phải chào bán phần vốn góp của mình cho những thành viên góp vốn khác và nếu những thành viên khác không mua thì mới được chuyển nhượng cho người khác với cùng một điều kiện. Do đó, để đảm bảo về mặt pháp lý, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp khác bằng phần vốn góp này cần phải có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên và thành viên sử dụng phần vốn góp để góp vốn không được biểu quyết.
2. Kết quả của việc góp vốn này là doanh nghiệp mới thành lập sẽ là chủ sở hữu của cổ phần/phần vốn góp mà các cổ đông/thành viên góp vốn của doanh nghiệp mới thành lập sử dụng để góp vốn vào doanh nghiệp. Xin lưu ý rằng, hoạt động góp vốn bằng cổ phần/phần vốn góp không tạo ra việc sở hữu vốn chéo trong các doanh nghiệp.
3. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông/thành viên góp vốn phải hoàn tất việc góp vốn vào doanh nghiệp mới thành lập. Việc góp vốn được hoàn tất khi:
-
Tài sản góp vốn là cổ phần trong Công ty Cổ Phần: doanh nghiệp mới thành lập được ghi nhận là chủ sở hữu cổ phần trong Sổ Đăng Ký Cổ Đông của doanh nghiệp có cổ phần được sử dụng để góp vốp;
-
Tài sản góp vốn là phần vốn góp trong Công ty TNHH: doanh nghiệp mới thành lập được ghi nhận là thành viên góp vốn trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp có phần vốn góp được sử dụng để góp vốn.
4. Định giá tài sản: Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Một số vấn đề pháp lý về việc góp vốn bằng cổ phần/phần vốn góp chưa được quy định rõ ràng trong Luật Doanh Nghiệp 2014 hay các văn bản quy định pháp luật khác như phân tích ở trên, gây khó khăn cho cổ đông/thành viên góp vốn thực hiện quyền sở hữu của mình.
Chúng tôi trên mạng xã hội