Những điều doanh nghiệp cần làm trước khi đưa hàng hóa ra thị trường
Bạn là một nhà sản xuất? Bạn là một công ty khởi nghiệp với những sản phẩm được sản xuất ra từ chính ý tưởng, công thức riêng của mình? Bạn là một nhà sản xuất và còn mơ hồ về việc muốn đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường thì cần làm những việc gì? Để đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường, doanh nghiệp cần phải lựa chọn các phương thức đăng ký phù hợp với mục đích cũng như quy định về điều kiện của mỗi loại sản phẩm, hàng hóa. Sau đây là những thứ cơ bản nhất mà một nhà sản xuất nên thực hiện để đưa hàng hóa ra thị trường:
1. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa
Việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hóa mà do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp là quyền của doanh nghiệp và điều này không bắt buộc. Tuy nhiên, đây là một trong những điều cơ bản nhất mà doanh nghiệp cần làm để bảo vệ tài sản do mình đã sản xuất ra và tài sản này chính là tài sản trí tuệ. Thoạt nhìn có lẽ điều này là không cần thiết, tuy nhiên về lâu dài khi mà doanh nghiệp của bạn đã có một vị thế nhất định trên thị trường sản phẩm của bạn là một sản phẩm tốt, chất lượng cao và được nhiều người biết đến thì việc xuất hiện các nhãn hiệu khác tương tự có khả năng gây nhầm lẫn, trùng với nhãn hiệu của bạn là điều tất yêu xảy ra. Việc đăng ký nhãn hiệu sẽ giúp doanh nghiệp bạn bảo vệ được sản phẩm, hàng hóa mà mình tạo ra trước những sản phẩm giả mạo khác, đồng thời sẽ trao cho bạn một quyền yêu cầu các nhà sản xuất khác không được sử dụng sản phẩm có nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu của bạn.
Trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp cần phải thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu một cách chính xác. Hiện nay, thông thường sẽ có hai bước là tra cứu nhãn hiệu sơ bộ và tra cứu nhãn hiệu chuyên sâu. Việc này nhằm đánh giá được khả năng đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp, tức là nhãn hiệu mà doanh nghiệp dự định đăng ký có bị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của một người nào khác đã đăng ký tại Việt Nam cho cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự hay chưa.
Việc tiến hành tra cứu khả năng đăng ký nhãn hiệu còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi đăng ký và giảm thiểu rủi ro bởi lẽ nếu thực hiện cả bước tra cứu kể trên thì khoảng 80% – 90% doanh nghiệp sẽ được bảo hộ nhãn hiệu nếu như nhãn hiệu đó không bị trùng hay gây nhầm lẫn với sản phẩm hoặc dịch vụ cùng loại trên thị trường.
Ngoài ra, danh nghiệp còn có thể tiến hành đăng ký kiểu dáng công nghiệp, sáng chế cho hàng hóa, sản phẩm của mình.
2. Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng
Tiêu chuẩn chất lượng là văn bản kỹ thuật quy định các đặc tính, yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, phương pháp thử các đặc tính, yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, các yêu cầu về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển, bảo quản sản phẩm, các yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng và các vấn đề khác có liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Không phải mọi loại hàng hóa, sản phẩm đều bắt buộc phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng mà chỉ có một số loại hàng hóa, sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sau đây gọi tắt là “sản phẩm nhóm 2”) thì mới bắt buộc phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Mỗi bộ ngành, cơ quan chuyên trách sẽ có trách nhiệm công bố danh mục các sản phẩm, hàng hóa thuộc sản phẩm nhóm 2. Tuy nhiên, trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp không thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tức là danh mục không cần phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng (sau đây gọi tắt là “sản phẩm nhóm 1”) thì việc đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sẽ nâng nâng cao uy tín và lòng tin của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Để đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, có 02 dạng công bố là công bố hợp quy và công bố hợp chuẩn. Cụ thể như sau:
-
Công bố hợp quy: là họat động bắt buộc. Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
-
Công bố hợp chuẩn: là một hoạt động tự nguyện. Doanh nghiệp tự công bố đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.
Doanh nghiệp có thể tìm đến các trung tâm kiểm định và đo lường chất lượng hoặc các cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ về việc công bố sản phẩm của mình.
3. Đăng ký lưu hành sản phẩm, hàng hóa
Đối với một số sản phẩm và hàng hóa nhất định thì việc đưa sản phẩm và hàng hóa ra thị trường thì cần phải có giấy phép lưu hành sản phẩm. Giấy phép lưu hành sản phẩm (“CFS”) là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa ghi trong CFS để chứng nhận rằng sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.
Có thể kể đến một số hàng hóa, sản phẩm như: thực phẩm chức năng, thuốc lá điếu, nước uống, trang thiết bị y tế, thuốc bảo vệ thực vật, các loại phương tiện giao thông, vật liệu xây dung,… Tùy vào loại hàng hóa, sản phẩm mà thẩm quyền cấp sẽ thuộc về các bộ ngành khác nhau.
4. Đăng ký mã vạch cho sản phẩm, hàng hóa
Mã vạch là một dãy các vạch thẫm song song và các khoảng trống xen kẽ để thể hiện mã số sao cho máy quét có thể đọc được.
Tại Việt Nam, hiện nay việc sử dụng mã số mã vạch là không bắt buộc mà tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp khi thấy cần phải sử dụng mã số mã vạch để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, mã vạch được in trên sản phẩm nhằm mục đích mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Có thể dựa vào mã vạch để biết được các thông tin về nhà sản xuất, hàng của nước nào, sản phẩm đó có chính hãng hay không…
Chúng tôi trên mạng xã hội