Chúng tôi trên mạng xã hội

Những Hạn Chế Trong Cơ Chế Công Nhận Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Tại Việt Nam

Trong hoạt động kinh doanh, chủ thể nào cũng phải sử dụng các dấu hiệu, thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ nhằm chỉ dẫn và giúp khách hàng nhận diện được hàng hóa, dịch vụ của mình – các dấu hiệu, thông tin đó được gọi chung là chỉ dẫn thương mại. Trong số các chỉ dẫn thương mại nói chung, ba chỉ dẫn thương mại chính của doanh nghiệp là tên doanh nghiệp/thương hiệu, biểu tượng kinh doanh (logo) và nhãn hiệu, trong đó, nhãn hiệu là dấu hiệu được quan tâm và sử dụng nhiều nhất.

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau
[1]. Căn cứ vào hình thức thể hiện thì nhãn hiệu có thể được phân loại thành chữ, hình, hoặc nhãn hiệu kết hợp, nếu căn cứ vào khả năng phân biệt thì nhãn hiệu lại có thể phân thành nhãn hiệu tự tạo, nhãn hiệu gợi liên tưởng, nhãn hiệu mô tả và nhãn hiệu là tên gọi chung… Tuy nhiên, ngoài những cách phân loại thông qua hình thức thể hiện hay khả năng phân biệt trên, nhãn hiệu còn có thể phân loại theo mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu, với tiêu chí này, nhãn hiệu có thể được phân thành nhãn hiệu phân biệt thông thường và nhãn hiệu nổi tiếng, tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó có thể được bảo hộ trong phạm vi cao nhất, rộng nhất mà không cần phải thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan sở hữu trí tuệ.

Bài viết này đề cập đến mức độ nổi tiếng đối với nhãn hiệu và những vấn đề pháp lý xoay quanh nó, đồng thời cũng đưa ra một số vướng mắc trong cơ chế công nhận nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam để bạn đọc tham khảo, đồng thời cũng có những đánh giá riêng của mình. Hy vọng, những nội dung đề cập dưới đây là phù hợp và hữu ích, không chỉ đối với các doanh nghiệp, mà còn đối với cả những người đang mong muốn phát triển thương hiệu của mình.

Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành quy định quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ở Việt Nam là cục Sở hữu trí tuệ, khi chủ thể quyền thực hiện việc đăng ký. Việc đăng ký nhãn hiệu, ngoài ý nghĩa xác lập quyền đối với dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể kinh doanh để tránh việc sử dụng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; còn có phục vụ cho mục đích bảo hộ cho những giá trị mà doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp đạt được và được thể hiện qua độ tin cậy của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu.

Tuy nhiên, cơ chế đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu như nêu trên không được áp dụng cho nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi khiến cho nhãn hiệu đó trở thành nổi tiếng mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ
[2].

Theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu nổi tiếng được định nghĩa là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các nhãn hiệu nổi tiếng được pháp luật Việt Nam bảo hộ theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ và phù hợp với quy định tại Điều 6bis Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, theo đó, để đánh giá mức độ nổi tiếng của một nhãn hiệu, Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định về 08 (tám) tiêu chí được xem xét, bao gồm
[3]:

 

  • Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

  • Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

  • Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

  • Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

  • Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

  • Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

  • Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

  • Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.


Theo đó, không cần thông qua thủ tục đăng ký, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng các tài liệu chứng minh quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu và chứng minh nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện để được coi là nổi tiếng. Tuy nhiên, các quy định pháp luật cũng chỉ dừng lại ở đó, không có một văn bản hướng dẫn cụ thể hoặc một thủ tục hành chính nào đã được công khai để các chủ sở hữu nhãn hiệu có thể chủ động thực hiện việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.

Đối chiếu với các quy định pháp luật, tác giả cũng chỉ tìm được một số thủ tục liên quan đến việc sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu, mà qua đó, một nhãn hiêu có thể được gián tiếp công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, bao gồm:

  • Thông qua thủ tục tố tụng dân sự: tức là thông qua một quyết định hoặc bản án giải quyết tranh chấp của Tòa án, trong đó có nội dung công nhận nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng; hoặc

  • Thông qua thủ tục công nhận của Cục sở hữu trí tuệ trong khi xử lý xâm phạm quyền hoặc thẩm định nội dung phục vụ việc xác lập quyền. Một nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng theo phương thức này thường là thông qua việc chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng phản đối đơn đăng ký của các chủ thể khác, theo đó, chính chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng sẽ phải cung cấp các tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu.

Bên cạnh các thủ tục chính thức như được đề cập ở trên, về logic, các doanh nghiệp cũng hoàn toàn có quyền yêu cầu Cục Sở Hữu Trí Tuệ công nhận nếu thấy rằng nhãn hiệu của mình đủ điều kiện để được công nhận. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, hiện vẫn chưa có một khung pháp lý nào cho thủ tục này, do đó, việc đánh giá hay nghĩa vụ xét hồ sơ hoàn toàn thuộc về ý chí đơn phương của cơ quan nhà nước.

Ngoài những khó khăn trong thủ tục công nhận như nêu trên, cách thức lưu trữ và tra cứu nhãn hiệu nổi tiếng cũng là một vấn đề bất cập. Theo quy định tại Thông Tư 01/2007/TT-BKHCN, khi một nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thông qua thủ tục tố tụng hoặc được Cục Sở Hữu Trí Tuệ công nhận để ra quyết định xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng đó hoặc dẫn đến quyết định không bảo hộ nhãn hiệu khác thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ để làm thông tin tham khảo phục vụ công tác xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, danh mục nhãn hiệu nổi tiếng nêu trên chỉ được lưu hành trong nội bộ của Cục Sở Hữu Trí Tuệ mà không được công bố như đối với nhãn hiệu thông thường.

Không có thủ tục công nhận cụ thể, danh sách các nhãn hiệu đã được công nhận thì chỉ được lưu trữ nội bộ là những thách thức hàng đầu cho trong cơ chế công nhận nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Các vấn đề này đồng thời cũng gây khó khăn cho công tác đăng ký bảo hộ cho các nhãn hiệu khác vì không tìm ra được đối chứng phù hợp khi thông tin không được công khai. Việc khắc phục khó khăn này, có lẽ chỉ có thể thực hiện được khi có sự điều chỉnh, làm rõ thêm các quy định về cách thức đánh giá đối với các tiêu chí và đưa ra được một thủ tục công nhận cụ thể, còn trong thời gian này, các chủ thể sở hữu những dấu hiệu có thể xem là nổi tiếng nên sớm tiến hành việc đăng ký và tiếp tục thu thập, lưu trữ các tài liệu để chứng minh mức độ nổi tiếng và tính sử dụng liên tục cũng như giá trị đối với nhãn hiệu của mình để làm căn cứ chứng minh đồng thời yêu cầu công nhận quyền của mình đối với nhãn hiệu nổi tiếng trước Cục Sở Hữu Trí Tuệ hoặc cơ quan có thẩm quyền nếu có phát sinh tranh chấp.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây