Những Vấn Đề Cần Lưu Ý Và Vướng Mắc Khi Xin Cấp Thẻ Abtc Tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Thẻ đi lại của doanh nhân APEC (APEC Business Travel Card), viết tắt ABTC, là một loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước và vùng lãnh thổ tham gia Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp cho doanh nhân của mình để tạo thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC tham gia Chương trình. Người mang thẻ ABTC, khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần phải có thị thực của các nước và vùng lãnh thổ đó.
Thẻ ABTC chỉ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh khi người mang thẻ xuất trình kèm theo hộ chiếu hợp lệ mà không cần xin visa, không cần làm thủ tục lưu trú và được xuất nhập cảnh nhiều lần tại các quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia chương trình thẻ ABTC, gồm: Úc, Brunei, Chile, Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Singapore, Lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Mỗi lần nhập cảnh, người mang thẻ ABTC được các nước và vùng lãnh thổ thành viên cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định của các nước hoặc vùng lãnh thổ đó, thường tối đa mỗi lần có thể từ 60 -90 ngày, ví dụ: thời gian lưu trú bằng thẻ ABTC tại Úc là 90 ngày, tại Hồng Kông là 60 ngày, tại Singapore là 60 ngày, tại Nhật Bản là 90 ngày…
Thẻ ABTC chỉ có thời hạn sử dụng 05 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn; trường hợp thẻ ABTC hết thời hạn sử dụng sẽ được cấp thẻ mới.
Như vậy, việc xin cấp thẻ ABTC khó hay không và những vướng mắc nào thường gặp khi thực hiện hồ sơ xin cấp thẻ ABTC cho doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp được thành lập hợp pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh?
Thứ nhất, về đối tượng được cấp thẻ ABTC, theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định 54/2015/QĐ-TTg thì doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp thành lập hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam thì sẽ được xin cấp thẻ ABTC, cụ thể là Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty; Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hợp tác xã hoặc liên hợp tác xã; Kế toán trưởng, Trưởng phòng trong các doanh nghiệp; Trưởng chi nhánh của các doanh nghiệp và các chức danh tương đương khác.
Thứ hai, về điều kiện đối với doanh nhân Việt Nam để được cấp thẻ ABTC, trước đây Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 05/2014/QĐ-UBND quy định về thành phần hồ sơ và điều kiện về việc xin phép sử dụng thẻ ABTC tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, Quyết định này đã bị bãi bỏ theo Quyết định 41/2016/QĐ-UBND và hết hiệu lực vào ngày 19/10/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Ủy Ban Nhân Dân vẫn chưa ban hành Quyết định mới nào quy định về điều kiện và hướng dẫn hồ sơ xin cấp thẻ ABTC. Dẫn đến tình trạng vướng mắc và khó khăn áp dụng để thực hiện thủ tục xin phép này. Do đó, hiện nay, đang vẫn tồn tại hai luồng quan điểm giữa các cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ trình Ủy Ban Nhân Dân xem xét cho phép sử dụng thẻ ABTC.
(i) Hiện tại chưa ban hành quy định pháp luật mới về điều kiện xin cấp thẻ ABTC thì sẽ vẫn áp dụng các điều kiện theo Quyết định 05/2014/QĐ-UBND để xem xét cho phép sử dụng thẻ ABTC như sau:
-
Có hộ chiếu phổ thông còn thời hạn sử dụng ít nhất 03 năm kể từ ngày nộp hồ sơ xét cho phép sử dụng thẻ ABTC;
-
Đang làm việc tại các doanh nghiệp có các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư và dịch vụ với các đối tác trong các nền kinh tế thành viên tham gia thẻ ABTC;
-
Làm việc tại các doanh nghiệp được thể hiện bằng hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm chức vụ và tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
-
Là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không bị hạn chế hoặc không bị mất năng lực hành vi dân sự;
-
Là chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc làm việc theo hợp đồng lao động (có hợp đồng lao động đã giao kết không xác định thời hạn) có thời gian làm việc tại doanh nghiệp trước khi đề nghị cấp thẻ ABTC tối thiểu là 12 tháng;
-
Có nhu cầu thường xuyên với các chuyến đi ngắn hạn tới các nền kinh tế thành viên ABTC để ký kết, thực hiện các cam kết kinh doanh trong khu vực APEC;
-
Làm việc trong doanh nghiệp có doanh thu sản xuất kinh doanh tối thiểu 10 tỉ Việt Nam đồng hoặc có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tối thiểu tương đương 10 tỉ Việt Nam đồng trong năm gần nhất.
(ii) Hiện tại, Quyết định 05/2014/QĐ-UBND đã hết hiệu lực do đó, nếu doanh nghiệp có nhu cầu được xem xét cấp thẻ ABTC thì chỉ cần làm văn bản đề nghị gửi Ủy Ban Nhân Dân và nộp tại các cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ do Ủy Ban Nhân Dân phân công. Các cơ quan này sẽ tổng hợp nội dung đề nghị của doanh nghiệp, và ý kiến của các cơ quan ban ngành có liên quan để trình Ủy Ban Nhân Dân xem xét, quyết định và không được đặt ra bất cứ yêu cầu nào, điều kiện nào đối với doanh nhân và doanh nghiệp.
Thứ ba, về thủ tục và những khó khăn khi thực hiện thủ tục xin cấp thẻ ABTC, hiện nay, công tác tiếp nhận và tham mưu việc xem xét cho phép doanh nhân Việt Nam sử dụng thẻ ABTC tại Thành phố Hồ Chí Minh được Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư, Ban Quản Lý Khu Đô Thị Nam, Ban Quản Lý Các Khu Chế Xuất Và Công Nghiệp, Ban Quản Lý Khu Công Nghệ Cao, Ban Quản Lý Khu Đô Thị Tây Bắc và Ban Quản Lý Đầu Tư – Xây Dựng Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm phối hợp với các cơ quan ban ngành Sở Công Thương, Công An Thành Phố, Bảo Hiểm Xã Hội, Cục Thuế, Cục Hải Quan, Sở Lao Động - Thương Binh Và Xã Hội, và các sở, ban, ngành, liên quan khác kiểm tra rà soát chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, cá nhân đề nghị cấp thẻ ABTC, báo cáo kết quả trình Uỷ ban nhân dân xem xét, quyết định.
Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý phải chấp hành tốt pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, thương mại, thuế, hải quan, lao động và bảo hiểm xã hội cũng như quy định về sử dụng thẻ ABTC, cụ thể, Công An Thành Phố sẽ yêu cầu doanh nhân Việt Nam nộp sơ yếu lý lịch và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp mà doanh nhân Việt Nam đang làm việc, Cơ Quan Thuế, Bảo Hiểm Xã Hội, Cơ Quan Hải Quan sẽ kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật liên quan…
Về thủ tục thì để được cấp thẻ ABTC thì phải thực hiện hai giai đoạn:
-
Giai đoạn 1: Xin văn bản chấp thuận của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố về việc cho phép sử dụng thẻ ABTC. Doanh nghiệp sẽ nộp 02 bộ hồ sơ theo quy định đến cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thời gian xử lý hồ sơ theo quy định trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định sẽ bị trả lại cho doanh nghiệp sau 07 ngày làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian này sẽ bị kéo dài lâu hơn so với quy định. Do phụ thuộc vào việc tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp mà doanh nhân Việt Nam xin cấp thẻ ABTC đang làm việc và cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ phải gửi công văn xin ý kiến của các sở, ban ngành liên quan, sau khi nhận được phản hồi đồng ý của tất cả các cơ quan này thì cơ quan đầu mối sẽ tổng hợp và trình Ủy Ban Nhân Dân xem xét, quyết định.
-
Giai đoạn 2: Xin cấp thẻ ABTC. Doanh nghiệp sẽ nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Cục Quản Lý Xuất, Nhập Cảnh - Bộ Công An. Theo quy định trong thời hạn 21 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tuy nhiên, thời gian này phụ thuộc vào việc trả lời của các nước thành viên tham gia chương trình cấp thẻ APEC, do đó, có thể kéo dài hơn so với luật định.
Chúng tôi trên mạng xã hội