Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và những điều cân quan tâm
Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2015, khi Luật Đầu Tư 2014 có hiệu lực và thay thế cho Luật Đầu Tư 2005, các điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư được áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã trở nên rõ ràng và minh bạch hơn. Nhưng dù Luật Đầu Tư 2014 đã làm tốt trong việc giải bài toán mở ra cơ chế thông thoáng nhằm khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vẫn tồn tại một vấn đề khiến đa số các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn để thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật đó là việc thực hiện các giao dịch góp vốn, chuyển nhượng vốn thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
Theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2013, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được yêu cầu phải thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và việc góp vốn đầu tư, việc chuyển vốn đầu tư gốc, lợi nhuận và các khoản thu hợp pháp khác phải thực hiện thông qua tài khoản này[1]. Tuy nhiên, quy định này lại không có sự thống nhất với Luật Đầu Tư 2014 khi mà định nghĩa “đầu tư trực tiếp” và “đầu tư gián tiếp” đã không còn được Luật Đầu Tư 2014 áp dụng dẫn đến việc đa số các ngân hàng thương mại đều lúng túng trong việc xác định trường hợp nào thì doanh nghiệp được mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Để an toàn, đa phần ngân hàng trong thời điểm này đều bắt buộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để được phép mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, và hậu quả là các công ty Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn đều không được mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nếu không có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mặc dù Luật Đầu Tư 2014 không yêu cầu doanh nghiệp trong trường hợp này phải đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 36 Luật Đầu Tư 2014.
Phải đến ngày 26 tháng 06 năm 2019, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2019/TT-NHNN, mới có một quy định giải thích “doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” bao gồm:
-
Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
-
Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp nhưng không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
-
Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp và không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
-
Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Như vậy, các doanh nghiệp được đề cập nêu trên bắt buộc phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện các giao dịch vốn, với các giao dịch cần lưu ý bao gồm:
-
Thu chuyển khoản tiền góp vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam;
-
Thu chuyển khoản tiền thặng dư vốn cổ phần từ việc phát hành thêm cổ phần mới để tăng vốn điều lệ;
-
Chi chuyển khoản lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp bằng ngoại tệ từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài;
-
Chi chuyển khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài trong trường hợp giảm vốn đầu tư, kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, hợp đồng BCC, hợp đồng PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư;
-
Thu và chi giá trị thanh toán chuyển nhượng vốn giữa nhà đầu tư là người không cư trú và nhà đầu tư là người cư trú.
Trong trường hợp các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ngoại hối, các nhà đầu tư có thể sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo đúng các quy định của pháp luật.
Trên thực tế, mặc dù đã có quy định cụ thể về doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Thông tư 06/2019/TT-NHNN nhưng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vẫn gặp khó khăn khi một số các ngân hàng thương mại vẫn chưa áp dụng triệt để các quy định tại Thông tư 06/2019/TT-NHNN và bắt các doanh nghiệp vẫn phải cung cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Do đó, trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất cần lưu ý các vấn đề liên quan đến tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để có thể tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong các giao dịch vốn.
Chúng tôi trên mạng xã hội