Tìm Hiểu Về Việc Mua Bán Nợ Giữa Các Tổ Chức Tín Dụng
Theo Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17 tháng 7 năm 2015 của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (“Thông Tư 09”), mua, bán nợ là “thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ”.[1]
Luật Các Tổ Chức Tín Dụng cho phép các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính thực hiện giao dịch mua bán nợ giữa các tổ chức tín dụng, nhưng việc mua bán nợ đó phải tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.[2]
Về mặt mua bán nợ, các bên liên quan phải tuân theo các điều kiện theo luật định như sau:
Điều kiện để khoản nợ được mua bán[3]
(a) Hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm (nếu có) do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật;
(b) Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; và
(c) Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.
Điều kiện để tổ chức tín dụng trở thành bên mua nợ[4]
(a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động;[5] và
(b) Có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Điều kiện chung và nguyên tắc thực hiện mua bán nợ[6]
(a) Hoạt động mua, bán nợ không trái với nội dung quy định tại hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm đã ký kết giữa bên bán nợ, khách hàng và bên bảo đảm;
(b) Hoạt động mua, bán nợ do các bên tự thỏa thuận, tuân thủ quy định tại Thông Tư 09 và quy định của pháp luật có liên quan;
(c) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ (trong đó có quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ; quy trình mua, bán nợ; quy trình định giá khoản nợ; quy trình bán đấu giá khoản nợ trong trường hợp tự đấu giá khoản nợ và quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ) trước thực hiện mua, bán nợ;
(d) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua nợ phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(e) Bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán;
(f) Trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ, thì bên bán nợ và các bên mua nợ thỏa thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phân chia giá trị tài sản đảm bảo (nếu có) cho phần nợ được mua, bán và các nội dung cụ thể khác tại hợp đồng mua, bán nợ đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; và
(g) Các khoản nợ được mua, bán nợ phải được theo dõi, hạch toán kế toán và báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật.
Quy trình và thủ tục chung để các bên thực hiện việc mua bán nợ
Bước 1: Ban hành quy định nội bộ về mua bán nợ
Theo Thông Tư 09, các bên phải ban hành các quy định nội bộ về mua bán nợ trước khi tiến hành mua bán nợ.[7]
Bước 2: Lựa chọn phương thức mua, bán nợ
Bên bán nợ có thể quyết định lựa chọn một trong các phương thức mua, bán nợ sau:[8]
(a) Thỏa thuận: thông qua đàm phán trực tiếp giữa bên bán nợ và bên mua nợ hoặc gián tiếp thông qua bên môi giới; hoặc
(b) Đấu giá: bên bán nợ thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp theo định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hoặc tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ.
Bước 3: Thành lập Hội đồng mua, bán nợ[9]
Bên bán nợ phải thành lập Hội đồng mua, bán nợ phù hợp với điều lệ, quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ
Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn (bao gồm cả việc xác định giá mua, nợ trong trường hợp mua bán theo thỏa thuận, giá khởi điểm trong trường hợp bán đấu giá khoản nợ) do bên bán nợ quy định.
Bước 4: Định giá khoản nợ [10]
Việc xác định giá mua, bán nợ đối với mua, bán nợ theo phương thức thỏa thuận trên cơ sở giá trị ghi sổ khoản nợ, khoản lãi mà bên nợ sẽ phải trả trong tương lai, phân loại nhóm khả năng thu hồi của khoản nợ và giá trị tài sản bảo đảm (nếu có).
Bước 5: Thương lượng và ký kết hợp đồng mua, bán nợ[11]
Các bên có thể thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng mua, bán nợ không trái với quy định tại Thông Tư 09 và quy định của pháp luật có liên quan. Hợp đồng mua, bán nợ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
(a) Thời gian ký kết hợp đồng mua, bán nợ;
(b) Tên, địa chỉ của các bên tham gia ký kết hợp đồng mua, bán nợ;
(c) Tên, chức danh người đại diện các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán nợ;
(d) Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên có liên quan (nếu có) tới khoản nợ được mua, bán;
(e) Chi tiết khoản nợ mua, bán: Số tiền vay, thời gian vay, mục đích giá trị ghi sổ của khoản nợ đến thời điểm thực hiện mua, bán nợ;
(f) Các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ đối khoản nợ được mua, bán (nếu có);
(g) Giá bán nợ, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán;
(h) Thời điểm, phương thức và thủ tục chuyển giao hồ sơ, chứng từ khoản nợ, bao gồm cả hồ sơ, tài liệu về tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có); Thời điểm bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của bên bán nợ;
(i) Quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ, bên mua nợ;
(j) Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng; và
(k) Giải quyết tranh chấp phát sinh.
Bước 6: Chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ[12]
Theo quy định của pháp luật, bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ của bên bán nợ kể từ thời điểm theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, bán nợ. Do đó, Bên bán nợ chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ bao gồm cả quyền, nghĩa vụ đối với các biện pháp bảo đảm khoản nợ đó (nếu có).V iệc chuyển giao quyền, nghĩa vụ đối với các biện pháp bảo đảm của khoản nợ phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Việc thực hiện đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Bước 7: Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam[13]
Bên bán nợ và bên mua nợ phải báo cáo hoạt động mua, bán nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về báo cáo thống kê.
Hệ quả pháp lý sau khi giao dịch hoàn tất
Theo Thông Tư 09, khi thực hiện hợp đồng mua bán nợ, bên bán nợ sẽ chuyển giao cho bên mua nợ các quyền và nghĩa vụ bao gồm các quyền và nghĩa vụ đối với các biện pháp bảo đảm nợ (nếu có) và bên mua nợ sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ đối với các khoản nợ tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực.[14]
[1] Điều 3.1 của Thông Tư 09
[2] Điều 95.2 của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng
[3] Điều 4 của Thông Tư 09
[4] Điều 5.3 của Thông Tư 09
[5] Để có được sự chấp thuận cho hoạt động mua nợ này, tổ chức tín dụng phải chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước theo Điều 6 của Thông Tư 09. Trong vòng 40 (bốn mươi) ngày sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và phê duyệt việc mua nợ của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài bằng một quyết định sửa đổi và bổ sung giấy phép. Tài liệu này là một phần không tách rời của giấy phép.
[6] Điều 5 của Thông Tư 09
[7] Điều 23 của Thông Tư 09
[8] Điều 10 của Thông Tư 09
[9] Điều 11 của Thông Tư 09
[10] Điều 12 của Thông Tư 09
[11] Điều 13 của Thông Tư 09
[12] Điều 14 của Thông Tư 09
[13] Điều 22 của Thông Tư 09
[14] Điều 14.1 và Điều 14.2 của Thông Tư 09
Chúng tôi trên mạng xã hội