Giải Quyết Tranh Chấp Thương Mại Bằng Tòa Án Hay Trọng Tài?
Tương tự nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam hiện cũng có hai cơ chế giải quyết các tranh chấp thương mại tồn tại song song nhau là tòa án và trọng tài thương mại (gọi tắt là “trọng tài”). Thực tế, hình thức trọng tài ở Việt Nam đã được ghi nhận lần đầu trong văn bản pháp lý từ năm 1960, được gọi là trọng tài kinh tế. Tuy nhiên, do đặc thù bối cảnh kinh tế và xã hội lúc bấy giờ, hình thức trọng tài không được biết đến nhiều. Phải đến những năm gần đây, hình thức này mới trở nên phổ biến và được sử dụng nhiều để giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực thương mại thay cho tòa án nhân dân. Vậy, sự khác biệt giữa hai hình thức này là gì? Đặc điểm nào khiến một hình thức nổi trội hơn hình thức giải quyết còn lại?
Tòa án nhân dân (gọi tắt là “tòa án”) là cơ quan duy nhất của Nhà nước có chức năng xét xử[1] và chịu sự giám sát của Quốc Hội[2]. Tòa án chịu trách nhiệm xét xử tất cả các tranh chấp phát sinh ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong khi đó, cơ chế trọng tài được xác định là cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án và trung tâm trọng tài là một đơn vị tư nhân được thành lập và chịu sự kiểm soát của cơ quan Tư pháp. Theo quy định hiện tại, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận của các bên và nội dung tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại. Trong một số trường hợp[3], tòa án phải từ chối giải quyết khi các bên đã có thỏa thuận trọng tài[4].
Như đã nêu trên, cơ sở để giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường trọng tài là một thỏa thuận trọng tài do các bên lập[5] dưới hình thức văn bản (thỏa thuận riêng hoặc ghi trong hợp đồng)[6], và thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Trong khi đó, việc giải quyết thông qua tòa án lại không đòi hỏi phải có sự thỏa thuận của các bên, mà chỉ cần có một bên có yêu cầu khởi kiện thì tòa án sẽ tiến hành xem xét và thụ lý vụ việc.
So với giải quyết tại tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự, thủ tục giải quyết bằng phương thức trọng tài theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại hiện hành đơn giản và tinh gọn hơn rất nhiều. Ví dụ:
-
Thông thường, hòa giải trong tố tụng qua tòa án là bước đi bắt buộc nhưng đối với trọng tài đây là phương án dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Hơn nữa, việc hòa giải bằng trọng tài có thể được tiến hành và công nhận hòa giải thành công bất kỳ lúc nào.
-
Ít quy định làm trì hoãn việc xét xử.
-
Tố tụng trọng tài không chia thành sơ thẩm và phúc thẩm, phán quyết khi đưa ra sẽ có giá trị chung thẩm, nếu không có yêu cầu hủy phản quyết.
-
Thời gian, địa điểm giải quyết được ưu tiên cho các bên thỏa thuận lựa chọn, giúp các bên chủ động thời gian và công sức của mình.
-
Quy trình thu thập chứng cứ không phức tạp, giúp hội đồng trọng tài nhanh chóng tiếp cận chứng cứ.
-
Trường hợp các bên tranh chấp vắng mặt mà không có lý do chính đáng thì không tạm hoãn lần đầu như tố tụng tòa án, mà sẽ xem như yêu cầu giải quyết đã bị rút (nếu bên vắng là nguyên đơn), hoặc xét xử vắng mặt (nếu bên vắng mặt là bị đơn).
Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm và buộc các bên thi hành. Việc thi hành ban đầu sẽ do các bên tự nguyện thực hiện và chỉ có sự can thiệp của cơ quan thi hành án khi đã quá thời hạn thi hành ghi trong phán quyết và có yêu cầu của bên được thi hành.
Tuy nhiên, nhược điểm của phán quyết của trọng tài có thể bị tòa án có thẩm quyền hủy nếu vi phạm các điều kiện luật định[7] và khi bị hủy các bên sẽ phải tiến hành tố tụng lại từ đầu. Bên cạnh đó, chi phí giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường lại cao hơn so với tòa án vì tính chất hoạt động của trọng tài là tư nhân.
Mặc dù vẫn có một số nhược điểm, nhưng nhìn chung, đối với các vụ việc tranh chấp thương mại, hình thức tố tụng trọng tài đã và đang bộc lộ rõ ưu thế của mình so với tố tụng tại tòa án. Thực tế, việc số vụ giải quyết tranh chấp qua con đường trọng tài tăng đáng kể là minh chứng rõ cho việc trọng tài thương mại là lựa chọn tốt hơn so với tòa án. Trong hoạt động thương mại, yếu tố thời gian và hiệu quả rất được các bên chú trọng, càng tiết kiệm được nhiều thì hoạt động của họ càng ít bị gián đoạn và hạn chế tổn thất không đáng có, và như vậy, trọng tài thương mại rõ ràng là một lời giải tốt cho bài toán này.
[1] Khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án 2014
[2] Ngoài ra còn một số cơ quan khác theo Điều 19 Luật Tổ chức Tòa án 2014
[3] Hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn Luật Trọng tài thương mại 2010
[4] Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010
[5] Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010
[6] Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010
[7] Khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010
Chúng tôi trên mạng xã hội