Những vấn đề liên quan đến chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết
Cổ phần ưu đãi biểu quyết một trong những loại cổ phần đặc biệt có trong công ty cổ phần bởi nó có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông nhằm đem lại cho người sở hữu nó quyền chi phối đặc biệt đối với công ty. Đặc biệt nâng cao quyền chi phối công ty cho những cổ đông chưa sở hữu đủ số lượng cổ phần để chi phối nhưng muốn chi phối công ty. Theo đó, cổ đông sáng lập là đối tượng được quyền nắm cổ phần ưu đãi biểu quyết để có thể chi phối công ty nhằm dễ dàng thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình ngay cả khi không đủ vốn để chi phối.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014, trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì quyền chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập được quy định như sau:
-
Cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác; và
-
Chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông
Theo đó, có hai vấn đề mà Luật Doanh Nghiệp 2014 đã quy định chưa rõ liên quan đến chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:
1| Cổ phần ưu đãi biểu quyết của các cổ đông sáng lập có được chuyển nhượng cho các cổ đông sáng lập khác hay không?
Tại khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rằng “cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được quyền chuyển nhượng chúng cho người khác”. Theo đó, có thể hiểu rằng trường hợp cổ đông sáng lập có sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ không được chuyển nhượng chúng cho bất kỳ ai kể cả cổ đông sáng lập khác.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 quy đinh rằng “Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. ...”. Ở quy định này có sự khác biệt giữa cổ phần mà cổ đông sáng lập được phép chuyển nhượng trong trường hợp 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho cổ đông sáng lập khác và người khác không phải là cổ đông sáng lập. Bởi đối với trường hợp chuyển nhượng cho cổ đông khác không phải cổ đông sáng lập thì chỉ có thể chuyển nhượng cổ phần phổ thông , điều này phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2014. Trong khi đó, cổ phần mà cổ đông sáng lập được quyền tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác thì Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định là “cổ phần” chung chung mà không quy định rõ ràng, cụ thể loại cổ phần được quyền chuyển nhượng như trường hợp chuyển nhượng cho cổ đông khác không phải là cổ đông sáng lập. Quy định như vậy sẽ khiến cho những người áp dụng pháp luật có cách hiểu không thống nhất, một số người có thể hiểu sai rằng cổ phần ưu đãi biểu quyết cũng sẽ được quyền tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác nếu quy định về chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập cho cổ đông sáng lập khác được quy định một cách chung chung như vậy và cách hiểu này sẽ không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2014.
Vì thế, pháp luật cần phải sửa đổi theo hướng sau để có cách hiểu thống nhất hơn, giúp cho các cổ đông có thể dễ dàng biết biết được quyền lợi hay hạn chế của mình để có thể vận dụng tốt hơn:
Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác (trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết) .....
2| Trường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng hết cổ phần của mình cho cổ đông khác không phải là cổ đông sáng lập trong công ty thì cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ được giải quyết như thế nào?
Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rằng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ có thể chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người khác không phải cổ đông sáng lập khi được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông . Với quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho cổ đông sáng lập có sở hữu cả cổ phần ưu đãi biểu quyết trong trường hợp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho người khác không phải cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì khi đó chỉ có cổ phần phổ thông được chuyển nhượng, còn cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng. Chỉ khi sau 03 năm các cổ phần ưu đãi biểu quyết này không còn tồn tại mà chuyển thành cổ phần phổ thông theo quy định tại khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014 thì chúng mới được chuyển nhượng.
Và với phân tích ở Mục 1 nêu trên thì điều này không chỉ gây khó khăn cho cổ đông sáng lập khi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho người khác không phải là cổ đông sáng lập mà cả trường hợp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác.
Như vậy, không có quy định nhằm giải quyết cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập trong trường hợp chuyển nhượng trong thời hạn 03 năm là một khiếm khuyết của pháp luật cần được hoàn thiện. Bởi cổ phần ưu đãi biểu quyết chỉ có ý nghĩa khi người sở hữu chúng cần nắm giữ quyền quyết định, quản lý, điều hành công ty. Còn trong trường hợp họ đã chuyển nhượng toàn bộ như vậy và không muốn nắm quyền quản lý nữa thì cổ phần ưu đãi biểu quyết khi đó cũng không còn ý nghĩa và đúng với bản chất của nó nữa nên nhất thiết cần phải có quy định xử lý cổ phần ưu đãi đối với trường hợp này để đảm bảo quyền lợi cho người sở hữu chúng.
Do đó, để giải quyết được cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập khi họ muốn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho người khác (cổ đông sáng lập khác và người khác không phải là cổ đông sáng lập) trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cần sửa đổi bằng cách tách câu “Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông” trong khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014 ra và cần được sửa đổi, bổ sung thành một khoản khác vào Điều 113 như sau:
Cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập sẽ được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông khi các cổ đông sáng lập chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho người khác hoặc sau thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Chúng tôi trên mạng xã hội