Chúng tôi trên mạng xã hội

Kinh doanh Karaoke, cẩn thận với bản quyền!

Được sáng tạo ra tại Nhật Bản từ năm 70 của của Thế Kỷ XX, karaoke – một hình thức giải trí mà người sử dụng hát lại lời bài hát trên nền nhạc đã được thu sẵn – đã trở thành hoạt động giải trí phổ biến ở khắp nơi trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Cứ nhìn vào mật độ các quán karaoke được xây dựng khắp nơi tại Việt Nam tăng dần qua từng năm, cả về mật độ và quy mô cũng có thể thấy được hoạt động giải trí này được yêu thích và mang lại lợi nhuận cao thế nào.
Tuy phổ biến là vậy, nhưng những người kinh doanh karaoke thường chỉ chú ý đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật trước khi kinh doanh hoạt động karaoke tại Việt Nam, như:

  1. người kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh;

  2. bảo đảm các điều kiện về phòng chống cháy nổ;

  3. diện tích tối thiểu của phòng hát…

và các điều kiện khác được quy định cụ thể tại Nghị định 54/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Tuy nhiên, Nghị định này lại không hề đề cập đến việc thanh toán tiền nhuận bút, thù lao khi sử dụng bản ghi âm/ ghi hình tác phẩm âm nhạc như là một điều kiện phải đáp ứng khi kinh doanh, trong khi các bản ghi âm/ ghi hình là đối tượng kinh doanh chính của dịch vụ Karaoke.
Như đã đề cập ở trên, karaoke là hình thức giải trí hát lại lời bài hát trên nền nhạc đã được thu sẵn, lời bài hát sẽ được thể hiện trên một màn hình (nếu có lời). Về bản chất, đối tượng kinh doanh của dịch vụ karaoke là bản ghi âm/ ghi hình một cuộc biểu diễn của các tác phẩm âm nhạc (thường là có lời bài hát) – đều là những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế, trong hoạt động kinh doanh karaoke, những chủ thể kinh doanh đều không để tâm đến việc thanh toán tiền nhuận bút, thù lao cho các chủ thể sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, cho đến khi … bị đòi tiền hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính mà không hiểu tại sao.
Theo quy định tại Điều 3 và  khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, tác phẩm âm nhạc là một trong 12 loại hình tác phẩm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được bảo hộ quyền tác giả.
[1] Trong đó, tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. (Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).
Còn về bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự. Các ghi âm, ghi hình cũng là đối tượng được bảo hộ quyền liên quan theo quy định tại Điều 3 Luật Sở Hữu Trí Tuệ hiện hành.
Việc sử dụng các bản ghi trong kinh doanh karaoke thuộc trường hợp sử dụng tác phẩm, bản ghi âm/ghi hình đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định tại Điều 26, Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ.
Khoản 2 Điều 43 Nghị Định 22/2018/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định tại khoản 1 Điều 26, khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc khai thác, sử dụng. Trường hợp không liên lạc trực tiếp được với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thì tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.”
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 45 Nghị Định 22/2018/NĐ-CP cũng quy định cụ thể hơn về trường hợp khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình: “Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.”
Ngoài hoạt karaoke truyền thống, tức là sao chép các bản ghi vào các đĩa CD hay một hệ thống lưu trữ cố định, các đơn vị kinh doanh karaoke hiện nay cũng phát triển việc kinh doanh karaoke dựa trên các bản ghi online được phát hành trên các website online như YouTube, nhaccuatui....
Tuy nhiên, bất kể khai thác bản ghi online hay offline, hành vi vi phạm việc thanh toán nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đều có thể bị xử lý nếu chủ thể quyền có yêu cầu. Khi đó, bên vi phạm sẽ phải chịu các chế tài dân sự bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hành chính. Mức bồi thường dân sự thường sẽ được quyết định dựa trên thiệt hại thực tế phát sinh mà chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chứng minh được và sẽ tùy vào từng vụ vi phạm cụ thể. Còn mức phạt vi phạm hành chính đối với việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có thể lên đến 25.000.000 đồng.
Trong thời buổi mà giá trị của các tài sản trí tuệ ngày càng được nhìn nhận và đánh giá cao hơn, các chủ sở hữu quyền tác giả/ quyền liên quan cũng hiểu rõ hơn về các quyền luật định của mình, những đơn vị kinh doanh karaoke nên lưu tâm hơn đến vấn đề thanh toán nhuận bút, thù lao cho các chủ thể quyền tác giả/ quyền liên quan trước khi đưa bản ghi âm/ ghi hình tác phẩm âm nhạc vào khai thác, tránh “tiền mất, tật mang”.
Việc thanh toán nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có thể được thực hiện trực tiếp qua việc thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng việc này thường có nhiều rủi ro như: tốn thời gian – vì phải liên hệ với nhiều người/ tổ chức cho các bản ghi/ tác phẩm khác nhau; chi phí cao và không ổn định vì mỗi tác giả/ ca sĩ lại có một mức giá riêng và thường là mang tính chủ quan;  đồng thời cũng có rủi ro cao vì nhập nhằng trong việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả/ quyền liên quan, không phải lúc nào tác giả/ ca sĩ – những người có liên quan nhất đến tác phẩm cũng là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Do đó, các tổ chức/ cá nhân kinh doanh karaoke có thể tìm đến các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật công nhận, như VCPMC – đại diện cho các tác giả, SkyMusic – đại diện cho những người biểu diễn… với biểu phí cố định, công khai để nhanh chóng thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nhuận bút, thù lao cho việc sử dụng bản ghi trong hoạt động kinh doanh của mình./.


[1] 12 loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật SHTT bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí; d) Tác phẩm âm nhạc; đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây