Chúng tôi trên mạng xã hội

Ngành Nghề Kinh Doanh Của Doanh Nghiệp Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài

Theo quy định của Luật Doanh Nghiệp 2015, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải lưu ý đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Phụ Lục 4 của Luật đầu tư 2015 và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Và trong vòng 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi ngành, nghề đầu tư kinh doanh thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trước khi thành lập doanh nghiệp, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài phải đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nội dung đăng ký bao gồm Mục Tiêu Dự Án ghi nhận mục tiêu hoạt động, mã CPC (mã ngành nghề quốc tế) và mã VSIP (mã ngành nghề của Việt Nam). Tại thời điểm này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đã đáp ứng được điều kiện đầu tư kinh doanh một ngành nghề nhất định theo như đăng ký hay chưa, bao gồm:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài trong doanh nghiệp;

  • Đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

  • Điều kiện khác theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư.

Căn cứ theo Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam được ký ngày 07 tháng 11 năm 2006; các hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Các hiệp định thương mại tự do và các thỏa thuận hội nhập kinh tế khu vực khác; Các điều ước quốc tế khác quy định quyền và nghĩa vụ của Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư mà, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài xác định cụ thể điều kiện khi đầu tư kinh doanh một ngành nghề nhất định.

Ví dụ như ngành nghề “Dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị” được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho phép thành lập Doanh Nghiệp Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài trong Nghị định thư gia nhập WTO như sau:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn: sau 2 năm kể từ khi gia nhập, có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài; trong vòng 2 năm kể từ ngày gia nhập WTO, các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

  • Đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: không yêu cầu.

  • Điều kiện khác: doanh nghiệp nước ngoài phải là pháp nhân của một Thành viên; kiến trúc sư nước ngoài chịu trách nhiệm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng phải có chứng chỉ hành nghề do Chính phủ Việt Nam cấp hoặc được Chính phủ Việt Nam công nhận; vì lý do an ninh quốc gia và ổn định xã hội, tại một số địa bàn, theo quy định của Chính phủ Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể không được phép cung cấp dịch vụ này.

Bên cạnh đó, một số nguyên tắc áp dụng điều kiện đầu tư đối với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài như sau:

1. Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề khác nhau phải đáp ứng toàn bộ điều kiện đầu tư đối với các ngành, nghề đó;
2. Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó; trường hợp đã lựa chọn một điều ước quốc tế thì Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của điều ước quốc tế đó;
3. Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam;
4. Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thuộc vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với Nhà Đầu Tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật và điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác;
5. Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định về điều kiện đầu tư đối với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ quản lý ngành để xem xét, quyết định;
6. Trường hợp Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đã được phép thực hiện hoạt động đầu tư trong các ngành, phân ngành dịch vụ quy định tại Mục 5 này và các ngành, phân ngành dịch vụ này đã được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 13 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định hoạt động đầu tư của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài trong cùng ngành, nghề đó mà không phải lấy ý kiến của Bộ quản lý ngành.​​​
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây