Một Số Điểm Khác Biệt Giữa Luật SHTT Việt Nam Với CPTPP
Ngày 12 tháng 11 năm 2018, Quốc hội Khóa 14 đã phê chuẩn Nghị quyết số 72/2018/QH4, phê chuẩn Hiệp định về Quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (“CPTPP”) và các tài liệu liên quan tại Kỳ họp thứ 6. Như đã nêu trong Văn bản số LGL/CPTPPD/2018-15 ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Bộ Ngoại giao Niu Di-lân, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14 tháng 1 năm 2019.
Sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, nhiều văn bản pháp luật Việt Nam cần phải được sửa đổi để phù hợp và tuân thủ với quy định, nghĩa vụ của một quốc gia là thành viên của CPTPP, yêu cầu này cũng được đặt ra đối với Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành năm 2005, được sửa đổi năm 2009 (“Luật SHTT”).
Theo đó, các Công ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam cần gia nhập gồm:
-
Hiệp ước Budapest của WIPO về Công nhận quốc tế đối với việc nộp và lưu chủng vi sinh nhằm các mục đích trong thủ tục về sáng chế (1977), được sửa đổi ngày 26/9/1980, thời hạn: 2 năm để gia nhập (14/01/2021).
-
Hiệp ước WCT của WIPO về quyền tác giả, thông qua tại Geneva ngày 20/12/1996, thời hạn: 3 năm để gia nhập (14/01/2022).
-
Hiệp ước WPPT của WIPO về buổi biểu diễn và bản ghi âm, thông qua tại Geneva ngày 20/12/1996, thời hạn: 3 năm để gia nhập (14/01/2022).
Và khuyến nghị (không bắt buộc) tham gia Thỏa ước La Hay (Hague) về đăng ký bảo hộ quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Về cơ bản các quy định của Luật SHTT của Việt Nam tương đối giống các quy định của luật SHTT trong CPTPP, tuy nhiên vẫn có một số điểm khác biệt điển hình như sau:
Thứ nhất, CPTPP khuyến khích các nước thành viên ưu tiên sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu thương mại điện tử, minh bạch, ngắn gọn trong quy trình đăng ký, gia hạn nhãn hiệu, đảm bảo tạo điều kiện nhận thông tin và phản hồi của người nộp đơn và cơ hội phản đối của bên thứ ba.
Thứ hai, đối với việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải bảo hộ đầy đủ, vừa bảo hộ kiểu dáng thể hiện ở một phần của sản phẩm và bảo hộ kiểu dáng thể hiện ở một phần của một sản phẩm khi nằm trong tổng thể toàn bộ sản phẩm, việc bảo hộ này vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định của WTO.
Thứ ba, khác với quy định hiện hành của Luật SHTT Việt Nam, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp hay còn gọi là hợp đồng li-xăng không bắt buộc phải đăng ký.
Thứ tư, CPTPP mở rộng đối tượng bảo hộ cả âm thanh (pháp luật hiện hành chỉ cho phép bảo hộ chữ, ký hiệu, từ ngữ và hình ảnh), ngoài ra khuyến khích các nước bảo hộ mùi, Việt Nam chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu thương mại dưới hình thức âm thanh sau 03 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực
Thứ năm, về việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng, CPTPP yêu cầu các nước không được lấy tiêu chí số lượng các quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu, đã công nhận nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã nằm trong danh mục nhãn hiệu nổi tiếng để quyết định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng hay không?
Thứ sáu, CPTPP yêu cầu xử lý nghiêm ngặt đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT, xử lý cả về hình sự đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu và bản quyền, hành vi xâm phạm nhãn hiệu và bản quyền trong lúc chuẩn bị hàng hóa để xuất khẩu và quá cảnh cũng bị xử phạt, đối với tội trộm cắp bí mật thương mại (ví dụ cố ý truy cập máy tính trái phép, chiếm đoạt bí mật thương mại, bộc lộ bí mật thương mại một cách trái phép qua hệ thống máy tính) đều bị xử lý hình sự.
Thứ bảy, khuyến khích các nước sử dụng phần mềm máy tính có bản quyền.
Ngoài ra, khi nghiên cứu Luật SHTT, chúng ta cũng cần lưu ý đến nguyên tắc bảo hộ tự động của quyền tác giả và nguyên tắc bảo hộ độc lập, theo đó, quyền bảo hộ của tác giả được bảo hộ tự động trong khối CPTPP sẽ có hiệu lực đồng thời trên tất cả quốc gia ngay khi một tác phẩm mới đươc ra đời và được công nhận quyền tác giả; đồng thời, chủ sở hữu của tác phẩm này sẽ không cần phải đăng ký thủ tục bảo hộ một lần nữa trong quốc gia còn lại. Đối với nguyên tắc bảo hộ độc lập, một cá nhân, tổ chức trong phạm vi lãnh thổ một nước thành viên CPTPP khi nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu sẽ phải tiếp tục nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ đối với sản phẩm tại các nước thành viên CPTPP khác, nhằm bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại các nước này khi hoạt động thương mại tại đây.
Hiệp định CPTPP đươc kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập với những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngay từ các vòng đàm phán, sở hữu trí tuệ trong CPTPP đã là một trong những lĩnh vực nổi bật được quan tâm hàng đầu bởi các quốc gia thành viên. Do đó Luật SHTT của Việt Nam cần sửa đổi hệ thống pháp luật về SHTT để phù hợp với quy định quốc tế.
Với những điểm mới bằng việc gia nhập vào CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm vững đúng nội dung để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong trường hợp gặp phải sự cố kiện tụng và tranh chấp với các đối tác nước ngoài.
Chúng tôi trên mạng xã hội