Chúng tôi trên mạng xã hội

Xử lý xâm phạm Quyền tác giả ở Việt Nam

Luật pháp quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia hiện nay đều ghi nhận và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ của các tổ chức và cá nhân với mục đích là khuyến khích các hoạt động sáng tạo và phổ biến những tiến bộ về khoa học, công nghệ, văn hóa và nghệ thuật để phát triển kinh tế xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống. Sở hữu trí tuệ thực sự đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự đổi mới, sự sáng tạo để phát triển tài sản trí tuệ quốc gia cả về số lượng và giá trị, góp phần nâng cao năng lực sáng tạo và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trong bài viết này, tác giả muốn bàn luận đến một số khía cạnh quan trọng về quy trình bảo hộ và xử lý đối với hành vi xâm phạm Quyền tác giả ở Việt Nam.

1. “Quyền tác giả” là gì?

Quyền tác giả là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng để mô tả các quyền độc quyền được trao cho các tác giả, nghệ sĩ và những người sáng tạo khác đối với sự sáng tạo của họ. Những quyền này, nói chung, bao gồm: sao chép; xuất bản; dịch thuật; phóng tác và sửa đổi; phân phối; vv, và phát sinh một cách mặc nhiên sau khi tác phẩm được tạo ra. Các loại tác phẩm có thể được bảo hộ bởi Quyền tác giả ở Việt Nam được định nghĩa là ‘tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, chủ yếu bao gồm các tác phẩm sau đây:

  • Tác phẩm văn học, tác phẩm khoa học, sách giáo khoa, giáo trình;

  • Bài giảng, bài phát biểu và tác phẩm báo chi;

  • Tác phẩm âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh;

  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ và tác phẩm kiến trúc;

  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Đăng ký Quyền tác giả

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, không có yêu cầu nào về việc đăng ký Quyền tác giả: Một tác phẩm sẽ được mặc nhiên bảo hộ nếu nó đáp ứng đủ điều kiện để bảo hộ Quyền tác giả.
Tác phẩm được bảo hộ bởi Quyền tác giả phải đáp ứng hai điều kiện sau đây:

  • Tác phẩm phải được tạo ra từ trí tuệ của tác giả và không được sao chép từ người khác;

  • Tác phẩm không phải là những tác phẩm được coi là thông thường mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng, một bài báo đưa tin và các trích dẫn về nội dung gốc của một tài liệu pháp lý và bản dịch của các tài liệu đó và không phải là những bài viết mà chỉ mang tính lý thuyết và giới thiệu các khái niệm và dữ liệu thuần túy.

Về nguyên tắc, để được bảo hộ Quyền tác giả thì không cần phải đăng ký Quyền tác giả. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả có thể được sử dụng như là một bằng chứng ban đầu của quyền sở hữu Quyền tác giả. Do đó, chúng tôi rất khuyến khích để có được một giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả.

3. Xâm phạm Quyền tác giả là gì?

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, hành động xâm phạm Quyền tác giả bao gồm:

  • Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học;

  • Mạo danh tác giả;

  • Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả;

  • Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó;

  • Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả;

  • Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (trừ trường hợp đươc quy định tại điểm 1 và 5 Khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ);

  • Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh (trừ trường hợp đươc quy định tại điểm 8 Khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ).

4. Cơ chế chính để xử lý xâm phạm Quyền tác giả
Luật Sở hữu trí tuệ quy định hai cơ chế để xử lý vi phạm Quyền tác giả:

  • Xử phạt hành chính: cụ thể, hình thức phạt tiền sẽ được áp dụng với điều kiện hành vi xâm phạm Quyền tác giả gây thiệt hại cho các tác giả, người tiêu dùng hoặc xã hội. Số tiền phạt, tùy theo từng hành vi xâm phạm, có thể dao động từ 2 triệu đồng đến 250 triệu đồng.

  • Xử phạt hình sự: các yếu tố tội phạm mà xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự theo luật hình sự.

Pháp luật Việt Nam bảo hộ Quyền tác giả đối với các nội dung được đăng tải trên trang web của các tổ chức và cá nhân ngay từ khi các nội dung đó được tạo ra và được thể hiện bởi tác giả dưới một hình thức nhất định, bất kể các nội dung đó có được xuất bản và đăng ký hay không.

5. Các biện pháp pháp lý để bảo hộ Quyền tác giả

Khi hành vi xâm phạm Quyền tác giả được phát hiện, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm, các tổ chức hoặc cá nhân có thể:

  • Áp dụng các biện pháp công nghệ để chấm dứt hành vi xâm phạm;

  • Yêu cầu tổ chức và cá nhân xâm phạm Quyền tác giả phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại;

  • Gửi yêu cầu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dân sự và hình sự.

Trước khi gửi yêu cầu tới cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình, các cá nhân mà có quyền lợi bị xâm phạm nên thu thập bằng chứng (chụp màn hình các trang web sao chép, thu thập dữ liệu liên quan, v.v.). Cần phải tìm kiếm các chuyên gia để được hướng dẫn và chuẩn bị các tài liệu pháp lý để nộp đơn khởi kiện trong thời hiệu khởi kiện.

6. Trách nhiệm của các bên trung gian như các nhà cung cấp dịch vụ internet được quy định như thế nào?

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) có nghĩa vụ phải gỡ bỏ và xoá nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan, và cắt, ngừng hoặc tạm ngừng đường truyền Internet, đường truyền viễn thông khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, ISP còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm Quyền tác giả và quyền liên quan trong các trường hợp sau:

  • Là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và Internet mà không được phép của chủ thể quyền;

  • Sửa chữa, cắt xén, sao chép nội dung thông tin số dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của chủ thể quyền;

  • Cố tình huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu hoá các biện pháp kỹ thuật do chủ thể quyền thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;

  • Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có;

  • Các ISP cũng có thể bị coi là vi phạm cùng với người xâm phạm Quyền tác giả trong trường họ cung cấp phương tiện kỹ thuật để xâm phạm Quyền tác giả.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây