Chúng tôi trên mạng xã hội

Có bắt buộc hòa giải trong trường hợp muốn ly hôn?

Không ai có thể phủ nhận rằng gia đình là một nền tảng quan trọng để giúp cho mỗi cá nhân được phát triển toàn diện về nhân cách lẫn tâm hồn. Khi mỗi gia đình có nền tảng tốt thì sẽ góp phần xây dựng xã hội ổn định, văn minh và phát triển. Tuy nhiên, thực trạng ly hôn ở Việt Nam nói riêng ngày càng gia tăng. Lấy ví dụ như tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, số liệu thống kê tại Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa cho thấy “Trong năm 2019, tòa án đã giải quyết 811 vụ, việc liên quan đến án hôn nhân và gia đình. Trong số đó, số cặp vợ chồng ở độ tuổi từ 18-30 là 498 vụ, việc (tỷ lệ 61,4%), ở độ tuổi trên 30 là 313 vụ, việc (38,6%). Trong 6 tháng đầu năm 2020, TAND TP Thanh Hóa đã giải quyết 305 vụ, việc liên quan đến án hôn nhân và gia đình, trong đó số cặp vợ chồng ở độ tuổi từ 18 - 30 là 171 trường hợp, ở độ tuổi trên 30 tuổi là 134 trường hợp. Đặc biệt, trong các vụ án đã thụ lý, giải quyết, 80% các vụ, việc do phụ nữ làm đơn khởi kiện ly hôn.[1]” Thực tế là có rất nhiều nguyên nhân khác nhau không kể đến là nguyên nhân khách quan hay chủ quan đã khiến nhiều cặp vợ chồng hiện nay đi đến quyết định ly hôn. Do đó, thủ tục hòa giải được cân nhắc như lần “níu kéo cuối cùng” để hàn gắn một gia đình. Bài viết ngắn bên dưới đây sẽ nêu và phân tích các nội dung cơ bản liên quan đến hòa giải trong trường hợp vợ hoặc chồng mong muốn chấm dứt hôn nhân.

1.  Hòa giải là gì?

Hòa giải là phương thức giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp giữa hai hay nhiều bên bằng việc các bên để thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba (không phải là bên tranh chấp). Các bên giải quyết tranh chấp sẽ tự nguyện tham gia, tự thỏa thuận các biện pháp giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba trung lập. Có hai hình thức hòa giải trong ly hôn là hòa giải ở cơ sở và hòa giải tại Tòa án.

Theo quy định của pháp luật thì hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với vụ án ly hôn sau khi Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn.[2] Theo đó:

Thứ nhất, đối với hòa giải tại cơ sở:

Theo quy định pháp luật Hôn nhân và gia đình:
  • Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm kịp thời hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình. Cụ thể, tại Điều 52 Luật Hôn nhân và gia định 2014 quy định Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn.
  • Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, hòa giải tại cơ sở là không bắt buộc theo Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở 2013.
Thứ hai, đối với hòa giải tại Tòa án:

Nếu hòa giải ở cơ sở không thành hoặc không tiến hành hòa giải thì sau khi nộp đơn ly hôn và được thụ lý thì Tòa án sẽ tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Hòa giải ly hôn tại Tòa là việc Tòa án với cương vị là bên thứ ba sẽ đứng ra thuyết phục hai bên vợ, chồng hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng qua đó tiết kiệm chi phí và tránh gây ảnh hưởng đến cho con cái khi cha mẹ ly hôn và duy trì được mục đích của kết hôn.

Liên quan đến giới hạn về số lần tiến hành hòa giải trong một vụ án ly hôn đơn phương hay thuận tình ly hôn thì pháp luật không quy định mà sẽ dựa theo tình hình thực tế của cặp vợ, chồng. Trên thực tế, việc hòa giải có thể tiến hành đến 02 - 03 lần, nếu hòa giải không thành thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử để quyết định.


2. Trường hợp nào ly hôn mà không tiến hành hòa giải?

Tuy pháp luật về hôn nhân gia đình bắt buộc phải tiến hành hòa giải trước khi ly hôn nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp giải quyết ly hôn mà không cần hòa giải khi vụ án dân sự không thể tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
  • Bị đơn, người có quyền lợi; nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà cố tình vắng mặt.
  • Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
  • Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
  •  Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
Do đó, dựa trên những quy định về các trường hợp không thể hòa giải được mà đương sự có thể áp dụng để không phải tiến hành hòa giải khi ly hôn đối với trường hợp đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, thực hiện như trên không thể đảm bảo được thời hạn giải quyết ly hôn có thể nhanh hơn được hay không vì còn tùy thuộc vào quá trình giải quyết của cơ quan Tòa án cho nên đương sự cần cân nhắc.

Cơ sở pháp lý:
- Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015.
- Luật Hòa giải ở cơ sở 2013.
- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
 

[2] Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây