Chúng tôi trên mạng xã hội

Tổng Quan Về Hòa Giải Thương Mại

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp. Hiện nay hành lang pháp lý cho phương thức hòa giải thương mại đã khá đầy đủ, đặc biệt Chính Phủ đã ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại (“Nghị định 22”) quy định chi tiết về phạm vi, nguyên tắc, trình tự thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, thành lập và hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại. Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (“BLTTDS”) đã rất chú trọng đến hòa giải khi dành riêng một Chương XXXIII quy định Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Phạm vi bài viết này đề cập đến một số nội dung chính mà các bên tranh chấp cần lưu ý nếu lựa chọn phương thức hòa giải thương mại này.

1| Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại

 Hòa giải thương mại được lựa chọn để giải quyết đối với các tranh chấp sau:[1]
  • Một là, tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Nghĩa là, các tranh chấp được giải quyết bằng phương thức hòa giải phải là các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động khác theo quy định của Luật thương mại và chủ thể tranh chấp là các thương nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
  • Hai là, tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Trường hợp này chỉ khác ở chỗ về chủ thể chỉ cần một bên là thương nhân, còn bên kia trong tranh chấp có thể không phải là thương nhân, như các cá nhân, cơ quan, tổ chức, người tiêu dùng… có giao dịch với thương nhân.
  • Ba là, tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại. Khác với hai trường hợp trên, đối với trường hợp này, tranh chấp phát sinh không nhất thiết phải là tranh chấp từ hoạt động thương mại và một trong các bên/cả hai bên trong tranh chấp cũng không nhất thiết phải là thương nhân. Hiện nay, các đạo luật như Luật đầu tư, Luật xây dựng cũng có quy định về áp dụng phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp về đầu tư, xây dựng tại Việt Nam.[1]
2| Các hình thức hòa giải thương mại

Hòa giải thương mại quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một tổ chức hòa giải thương mại theo quy định của Nghị định 22 và Quy tắc hòa giải của tổ chức đó. Mỗi tổ chức hòa giải phải đăng ký và công bố một danh sách hòa giải viên cũng như quy tắc hòa giải, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại.[1]

 
Hòa giải thương mại vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp do hòa giải viên thương mại vụ việc được các bên lựa chọn tiến hành theo quy định của Nghị định 22 và thỏa thuận của các bên.[1] Người có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại muốn trở thành hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký tại Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú.
 
3| Trình tự, thủ tục hòa giải thương mại

Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng và được xác lập bằng văn bản.[1]

 
Tương ứng với hai hình thức hòa giải thương mại, các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn: (1) hòa giải viên thương mại từ danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại hoặc từ danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố; (2) Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải; và (3) thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải.[1] Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.
Về trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Văn bản về kết quả hòa giải thành có chữ ký của các bên và hòa giải viên thương mại. Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp.[1]
 
4| Đánh giá ưu và nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này

(i) Ưu điểm của hòa giải thương mại

Hòa giải là một trong các phương thức thường được các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp bởi vì những ưu điểm của phương thức này so với phương thức tố tụng tại Tòa án/Trọng tài, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khác với tố tụng tòa án được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự áp dụng để giải quyết tất cả các vụ việc trong lĩnh vực dân sự nói chung, thủ tục hòa giải áp dụng cho các tranh chấp trong hoạt động thương mại mềm dẻo và linh hoạt hơn, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, thủ tục hòa giải không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Thứ hai, đây còn là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính thân mật rất cao. Thông qua sự hỗ trợ của bên thứ ba trung gian, các bên tranh chấp có cơ hội tìm kiếm các giải pháp để cùng giải quyết tranh chấp, đồng thời vẫn giữ được mối quan hệ giữa các bên sau này.
Thứ ba, việc không công khai quá trình hòa giải góp phần giữ kín bí mật kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến uy tín của các bên tranh chấp.

Cuối cùng, văn bản về kết quả hòa giải thành có thể được Tòa án công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nếu như một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận và thỏa mãn các điều kiện công nhận được quy định tại Điều 417 BLTTDS. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Do đó, việc thực hiện kết quả hòa giải trong trường hợp này sẽ được đảm bảo thi hành bằng hệ thống cơ quan thi hành án của Nhà nước. Ngược lại, nếu kết quả hòa giải không được Tòa án công nhận thì việc thực hiện cũng sẽ phải phụ thuộc vào sự tự nguyện và thiện chí hợp tác của mỗi bên tranh chấp.


(ii) Nhược điểm của hòa giải thương mại

Mặc dù có nhiều ưu điểm như đã nêu ở trên, hoạt động hoà giải còn có một số các nhược điểm khiến phương thức này có thể gây lưỡng lự cho các bên tranh chấp khi lựa chọn, bao gồm:

Thứ nhất, hình thức giải quyết khép kín, không công khai có thể nảy sinh những tiêu cực, trái pháp luật. Điều này xảy ra khi hoạt động hoà giải không được chuyên nghiệp hoặc hoà giải viên không tuân thủ các nguyên tắc về nghề nghiệp và đạo đức của hoà giải viên thì tiêu cực có thể nảy sinh trong quá trình hoà giải mà có thể gây bất lợi cho một bên. Cụ thể, khác với thủ tục tố tụng Trọng tài hoặc Toà án, hoà giải viên không bị giới hạn trong việc gặp gỡ riêng từng bên trong quá trình hoà giải để tìm hiểu mong muốn của bên đó đối với tranh chấp. Theo nguyên tắc giữ bí mật thông tin, hoà giải viên chỉ có thể tiết lộ thông tin từ cuộc gặp gỡ riêng đó cho bên kia nếu được bên gặp gỡ đồng ý. Tuy nhiên, nếu hoà giải viên vô ý hoặc cố ý làm lộ thông tin mà một bên đã tin tưởng giao phó thì sẽ gây bất lợi cho bên đó trong quá trình thương lượng, hoà giải.

Thứ hai, hoà giải viên không được đưa ra quyết định ràng buộc hay áp đặt các bên khi giải quyết tranh chấp nên tranh chấp có thể kéo dài. Theo quy định của pháp luật, hòa giải viên thương mại chỉ có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp trong quá trình hoà giải mà không có quyền đưa ra các phân tích, lời khuyên pháp lý.
[1] Hoà giải viên luôn luôn phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội.[2] Chính vì những ràng buộc này, nếu một bên tranh chấp cố ý kéo dài thời gian hoặc làm phức tạp thêm quá trình hoà giải hoặc do năng lực hiểu biết về pháp luật hạn chế thì hoà giải viên cũng không thể đưa ra các ý kiến tư vấn hoặc các quyết định có tính ràng buộc, áp đặt các bên.

 
Thứ ba, trong quá trình hoà giải, một trong bên có thể dừng hoà giải để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác vào bất kỳ thời điểm nào.[1] Dựa trên đặc điểm này, các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng hoà giải có thể trở nên vô nghĩa khi mà một bên không đồng ý tiếp tục. Như đã phân tích ở trên, các bên tranh chấp có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình hoà giải là một ưu điểm thì cũng đồng thời là nhược điểm vì hoà giải viên không thể bắt buộc các bên phải tiếp tục giải quyết tranh chấp đến tận cùng.
 
Cuối cùng, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án cũng gặp nhiều khó khăn. Do BLTTDS đặt ra bốn điều kiện để kết quả hoà giải thành ngoài Toà án được công nhận tại Điều 417 cho nên Toà án sẽ phải kiểm tra lại việc hoà giải của các bên có đáp ứng được các điều kiện hay không? Đặc biệt là điều kiện thứ tư về “nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.” Việc chứng minh “nội dung thoả thuận hoà giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện” trong khi toàn bộ quá trình hoà giải phải được tiến hành theo thể thức bảo đảm bí mật vụ việc sẽ là một thách thức lớn. Suy luận logic cho thấy trong trường hợp một bên có đơn yêu cầu Toà án công nhận kết quả hoà giải thành thường xảy ra khi bên kia không tuân thủ thoả thuận hoà giải thành đó. Việc bên còn lại có thể nại bất kỳ một lý do nào của điều kiện thứ tư để yêu cầu Toà án xem lại toàn bộ nội dung của thoả thuận hoà giải hoặc tiến trình hoà giải. Việc này dẫn đến kéo dài quá trình công nhận thoả thuận hoà giải thành hoặc không công nhận thoả thuận đó.

[1] Điều 2 Nghị Định 22/2017/NĐ-CP
[2] Chẳng hạn, điểm b, khoản 8, Điều 146 Luật xây dựng 2014 quy định: “Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.”
[3] Khoản 5, Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[4] Khoản 6, Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[5] Điều 6 và Điều 11 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[6] Điểm a, Khoản 1, Điều 13 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[7] Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[8] Điều 9 và Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[9] Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[10] Điều 13 Nghị định 22/2017/NĐ-CP

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây