Chúng tôi trên mạng xã hội

Người lao động tự tạo ra sáng chế để phục vụ công việc tại doanh nghiệp – Ai là chủ sở hữu?

Hiện nay, các tài sản sở hữu trí tuệ có tác động rất lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chiến lược và định hướng phát triển công ty,…Điển hình như một trong các tài sản sở hữu trí tuệ được các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản rất quan tâm và đi đầu trong hầu hết các lĩnh vực như điện tử, công nghệ sinh học, y tế,… là tạo ra sáng chế. Sáng chế được con người nghiên cứu tạo ra nhằm giúp tăng năng suất lao động, cải thiện đáng kể hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị doanh nghiệp. Do đó, để trả lời cho câu hỏi trên thì đáp án của câu hỏi trên chính là không xác định được cụ thể mà phải dựa vào rất nhiều yếu tố để đánh giá.

Trước tiên, ta cùng tìm hiểu khái quát một số vấn đề chung liên quan đến sáng chế. Sáng chế
[1] là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Điều kiện để được cấp bằng độc quyền sáng chế[2] gồm: (i) Có tính mới; (ii) Có trình độ sáng tạo; (iii) Có khả năng áp dụng công nghiệp. Điều kiện xác lập[3] quyền sở hữu đối với một sáng chế được dựa trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Thời hạn có hiệu lực của văn bằng bảo hộ từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn[4].

Dựa trên những quy định điều kiện trên thì một cá nhân hoặc tổ chức muốn xác lập quyền sở hữu với một sáng chế thì trước hết giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình phải đáp ứng được tiêu chí để được cấp bằng độc quyền sáng chế đó là đáp ứng ba điều kiện nêu trên; và quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân được công nhận và được pháp luật công nhận và bảo vệ thông qua văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước. Hiện nay, có một số trường hợp như các trường đại học hay viện nghiên cứu mời các tiến sĩ, chuyên gia,…để nghiên cứu và tạo ra sáng chế nhằm phục công việc tại trường đại học, viện nghiên cứu. Các tổ chức đó chấp nhận đầu tư vật chất, kinh phí để họ tạo ra sáng chế. Mối quan hệ đó là mối quan hệ lao động, được xác lập trên cơ sở hợp đồng, nội dung hợp đồng thỏa thuận về công việc mà người lao động thực hiện trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động. Trong đó có ràng buộc chủ sở hữu của sáng chế đó thuộc về trường đại học hay viện nghiên cứu. Quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đã có quy định đối với tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc
[5] là người có quyền đăng ký sáng chế và nếu sáng chế thỏa điều kiện được công nhận là một sáng chế thì sẽ được xác lập quyền sở hữu đối với sáng chế đó. Tuy nhiên, pháp luật sở hữu trí tuệ hiện nay chưa có quy định về việc người lao động thực hiện một tạo ra một sáng chế tại doanh nghiệp nói chung và địa điểm mà người lao động đang làm việc nói chung mà công việc đó không nằm trong phạm vi công việc được người sử dụng lao động “giao việc hay thuê việc”. Vậy quyền sở hữu có đương nhiên thuộc về người lao động, tức là người đã trực tiếp đã tạo ra sáng chế đó hay không?

Theo Luật sở hữu trí tuệ hiện hành có định nghĩa tại điểm a khoản 1 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ: “Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…bằng công sức và chi phí của mình” thì có quyền đăng ký. Vậy, người sử dụng lao động trong trường hợp này, họ đúng là có sử dụng trí óc và công sức nghiên cứu của họ để tạo ra sáng chế. Nhưng nếu họ không đầu tư chi phí thì có thỏa điều kiện được quyền đăng ký hay không? Xem xét một trường hợp giả định như sau: A là một nhà nghiên cứu sinh học và được Viện nghiên cứu X mời về để nghiên cứu một sáng chế A. Hợp đồng giữa A và Viện nghiên cứu X quy định Viện nghiên cứu X đương nhiên là chủ sở hữu với sáng chế do A tạo ra. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu thì A đã tạo ra một sáng chế A’ dưới dạng giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm và một sáng chế A’’ giải pháp kỹ thuật dưới dạng quy trình. A muốn đăng ký sáng chế A’’ dưới tên mình và muốn mình là người sở hữu đối với sáng chế đó. Nhưng Viện Nghiên cứu X cho rằng A không có quyền đăng ký bởi A chỉ đầu tư công nghiên cứu, nhưng với chi phí mà Viện Nghiên cứu X đầu tư như máy móc thiết bị dùng để nghiên cứu. Rõ ràng trong trường hợp này, xem xét về mặt câu chữ theo quy định của luật phải đầu tư công sức và chi phí. Người lao động A là tác giả tạo ra sáng chế nhưng A chỉ thỏa một điều kiện là bỏ công để nghiên cứu, còn chi phí thì do Viện Nghiên cứu X bỏ ra dù rằng, chi phí không nằm trong phạm vi thực hiện hợp đồng đã giao kết ban đầu. Một số lĩnh vực nghiên cứu nhất định như sinh học, thuốc,…để tạo ra sáng chế thì nhất định phải có cơ sở vật chất do chính doanh nghiệp phải hao tốn rất nhiều tiền đầu tư để người lao động mới có thể tiến hành thực hiện công việc. Ngoài cơ sở là hợp đồng lao động đã ký kết, thì người lao động phải cân nhắc và xem xét đến nội quy lao động hoặc quy chế quản lý tài sản sở hữu trí tuệ tại nơi mà mình đang làm việc. Bởi nếu trường hợp hợp đồng lao động không quy định điều khoản ràng buộc thì rất có khả năng là trong nội quy lao động hay quy chế quản lý tài sản sở hữu trí tuệ mà người lao động tạo ra sáng chế để phục vụ tại doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp đó là chủ sở hữu, đồng thời có quy định mức thù lao hoặc một khoản bù đắp nhất định cho người lao động. Trường hợp hai bên dù có mâu thuẫn trong việc quyết định ai là chủ sở hữu nhưng lại không đi đến được quyết định thống nhất thì cả hai cũng sẽ không được cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế. Và trường hợp khác là sáng chế một khi đã được công bố, làm mất tính mới của sáng chế thì dù xác định ai là chủ sở hữu sáng chế nhưng vẫn không được bảo hộ vì không đáp ứng điều kiện bảo hộ đối với sáng chế.

Do đó, để tránh các trường hợp mâu thuẫn phát sinh không đáng có thì các bên nên thỏa thuận rõ ràng và cụ thể ngay từ giai đoạn đầu tiên để không lãng phí thời gian và tiền bạc giữa các bên.
 

[1] Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009
[2] Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009
[3] Điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009
[4] Khoản 2 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009
[5] Điểm b khoản 1 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây