Chúng tôi trên mạng xã hội

Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 và tác động đến cuộc chiến chống gian lận xuất xứ thương mại tại Việt Nam

1| Gian lận xuất xứ thương mại là gì?

Trong thời gian gần đây, gian lận xuất xứ thương mại thường được thấy xuất hiện dưới nhiều hình thức thông qua các hành vi giả mạo, gian lận về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sử dụng các hành vi bất hợp pháp khác của pháp luật nước sở tại để được hưởng ưu đãi thuế quan hoặc để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

2| Tác động của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam và ảnh hướng của nó đến cuộc chiến chống gian lận xuất xứ thương mại tại Việt Nam?

Mặc dù vào ngày 15/1/2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước tại Nhà Trắng nhưng bên cạnh những mặt tích cực đối với thương mại, đầu tư và kinh tế thế giới thì không vì thế mà làm giảm nguy cơ gia tăng các đối tượng doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ hàng hóa của Việt Nam như trước khi có thỏa thuận gây ra. 

Có thể thấy, đối với Việt Nam, hầu hết các vụ việc nổi cộm liên quan đến gian lận xuất xứ thương mại đều liên quan đến những ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm, ngành gỗ công nghiệp, nhôm, thép, … Nổi bật trong số đó có thể kể đến như trường hợp Hải Quan Việt Nam phối hợp với Bộ An ninh nội địa Mỹ chặn đứng 1,8 triệu tấn nhôm nhập về Việt Nam để giả mạo xuất xứ nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước,
[1] các cuộc điều tra xuất xứ đối với ngành gỗ và tôm Việt Nam của Mỹ,[2]… 

Với việc phải đối mặt với các cuộc điều tra gian lận và giả mạo xuất xứ thương mại nêu trên, không phụ thuộc vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ luôn chịu rủi ro của việc nằm trong tầm ngắm bị các nước điều tra, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất, nông dân Việt Nam, giảm sức cạnh tranh, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ... với mức rất cao.

3| Liệu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có phải là lý do duy nhất dẫn đến sự gia tăng gian lận xuất xứ thương mại tại Việt Nam?

Có thể thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng các hành vi gian lận xuất xứ, gắn mác “made in Vietnam”. Tuy nhiên, xét về tổng thể, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng một cách trực tiếp đến sự gia tăng này, bao gồm:

(1) Việt Nam đã là thành viên và đang đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA); trong quá trình thực hiện các FTA nói trên, phần lớn hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam được hưởng lợi từ việc được miễn thuế nhập khẩu khi xuất khẩu cho các thành viên khác của FTA. Gần đây nhất là vào ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, còn gọi là hiệp định EVFTA;

(2) Do nhiều quốc gia và đối tác trên thế giới ngày càng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ,... với tỷ lệ cao dẫn đến nhiều hậu quả và làm giảm khả năng xuất khẩu của các quốc gia bị áp dụng các biện pháp trên (điển hình từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến làn sóng di chuyển của các đối tượng doanh nghiệp từ Trung Quốc), một số doanh nghiệp cố gắng làm sai lệch nguồn gốc hàng hóa và khai thác nguồn gốc hàng hóa gắn mác Việt Nam để nhận được ưu đãi hoặc trốn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại nêu trên;

(3) Sự gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ Trung Quốc như Novel Coronavirus (2019-nCoV) đã khiến nhiều nhà đầu tư chọn các điểm đến an toàn và ổn định hơn bao gồm cả Việt Nam;

(4) Nguồn nguyên liệu đa dạng và phong phú và chi phí lao động vẫn đang giữ ở mức cạnh tranh tốt của Việt Nam; và

(5) Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao và ổn định so với các nước đang phát triển khác với chính sách của Chính phủ về thúc đẩy sản xuất; duy trì phát triển xuất nhập khẩu bền vững; thu hút hợp tác và đầu tư nước ngoài vào các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

4| Các biện pháp pháp lý mà Việt Nam đã và đang áp dụng

Để giải quyết các vấn đề gian lận xuất xứ thương mại tại Việt Nam, điều này phải có sự chỉ đạo và thực hiện nghiêm ngặt và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp với các biên pháp pháp lý cụ thể như sau:

(1) Xây dựng các hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa, kiểm tra và xác minh nguồn gốc hàng hóa để thực hiện hiệu quả phòng ngừa và xử phạt nghiêm khắc, chống gian lận xuất xứ, vận chuyển bất hợp pháp và lẩn tránh thương mại, đặc biệt là đẩy nhanh việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển và thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm nhằm đáp ứng được tiêu chí hàm lượng giá trị trong nước và hàm lượng giá trị khu vực để tăng tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi, tận dụng lợi thế giảm thuế của các FTA, giảm thiểu khả năng bị các nước điều tra chống gian lận xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;

(2) Nâng cao năng lực giám sát và kiểm tra các cơ quan để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử phạt nghiêm khắc đối với gian lận xuất xứ, vận chuyển trái phép và trốn tránh thương mại, đặc biệt là nâng cao năng lực cho công tác cấp C/O, kể cả quy hoạch lại hệ thống các tổ chức cấp C/O và công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống theo hướng hiện đại, hiệu quả;

(3) Chủ động kiểm tra, điều tra, xác minh để phát hiện các hành vi vi phạm, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, xử lý nghiêm minh các vụ việc được phát hiện, đặc biệt là thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về xuất xứ hàng hóa đối với doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; thành phần đoàn kiểm tra gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội ngành hàng liên quan. Tiến hành thanh tra, kiểm tra về hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

(4) Tăng cường công khai và nâng cao nhận thức để phòng ngừa và ngăn chặn các vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa và vận chuyển bất hợp pháp trong xuất nhập khẩu; và

(5) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phối hợp ngăn chặn và xử lý các vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu.


[1]https://tuoitre.vn/dac-vu-my-den-viet-nam-dieu-tra-gan-2-trieu-tan-nhom-gia-mao-xuat-xu-20191029084725039.htm
[2]https://haiquanonline.com.vn/my-dieu-tra-xuat-xu-go-viet-cuong-cuong-lo-loat-thi-truong-khoi-xuong-114898.html
https://vtv.vn/kinh-te/my-dieu-tra-hanh-vi-lan-tranh-thue-doi-voi-tom-xuat-khau-20200207091856171.htm

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây