Đăng Ký Quyền Tác Giả - Tưởng Dễ Mà Lại Không
Nhận thức về tầm quan trọng của tài sản trí tuệ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng cao, kéo theo đó, các tổ chức, cá nhân cũng ngày càng quan tâm hơn đến xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ do mình tạo lập, sở hữu. Như một hệ quả tất yếu, các hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng ngày một nhiều lên qua từng năm, không chỉ đối với các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp (như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế… ) mà ngay cả các đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan (như tác phẩm âm nhạc, giáo trình, sách, các bản ghi âm, ghi hình…) cũng được đăng ký ngày một nhiều.
Không xét đến các đối tượng được bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp vì đây là những đối tượng gắn liền với hoạt động kinh doanh và bắt buộc phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được công nhận quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Nhưng đối với quyền tác giả, loại quyền mà theo quy định của pháp luật Việt Nam và cả những công ước quốc tế về bản quyền mà Việt Nam là thành viên, đều ghi nhận được phát sinh một cách tự động kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định (Điều 6 Luật Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam và Điều 2 Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật), thì liệu việc các hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tăng nhiều như vậy có phải là một điều kỳ lạ?
Như đã đề cập ở trên, nhận thức của xã hội về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng ngày càng cao, kéo theo đó là càng nhiều tranh chấp phát sinh. Nếu đối với các tranh chấp dân sự thông thường, bên có yêu cầu sẽ có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, thì theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ không phải chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại, điều này sẽ đem lại một lợi thế rất lớn cho tác giả/ chủ sở hữu tác phẩm khi có tranh chấp phát sinh. Bên cạnh đó, có được giấy chứng nhận từ Cục Bản Quyền, chủ sở hữu cũng có thể dễ dàng hơn trong việc định đoạt tài sản trí tuệ của mình, chẳng hạn, nếu chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm muốn sử dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với giáo trình giảng dạy mà mình biên soạn để góp vốn thành lập công ty, thì khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư, Sở sẽ yêu cầu phải cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì mới được góp vốn.
Việc đăng ký quyền tác giả/quyền liên quan có nhiều lợi ích là vậy, thêm vào đó, hướng dẫn về thủ tục và hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cũng được Cục Bản quyền đăng tải rất chi tiết trên website của Cục bản quyền tại http://www.cov.gov.vn/tin-tuc/dang-ky-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan nên đã tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân trong quá trình xác lập quyền tác giả. Quy định về việc đăng ký quyền tác giả giấy trắng mực đen đơn giản là thế, nhưng đến khi đăng ký quyền tác giả trên thực tiễn mới thấy cũng đầy những bất cập và khó khăn, đơn cử như những trường hợp người viết gặp phải sau đây:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, thời gian để Cục Bản quyền xử lý hồ sơ đăng ký là trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, như một thực trạng chung, các hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với các tác phẩm đơn giản như tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm viết, tác phẩm nhiếp ảnh… thì thời gian thực hiện trên thực tế thường cũng phải kéo dài đến hơn 01 tháng, hoặc thậm chí là hơn 02 tháng đối với các hồ sơ được nộp ở văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh. Điều này có lẽ một phần cũng xuất phát từ việc lượng hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả được nộp ngày càng nhiều qua các năm, trong khoảng thời gian từ ngày 01/1/2019 đến ngày 12/12/2019, Cục Bản quyền đã thụ lý, cấp 7932 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (tăng 21,25% so với cùng kỳ năm 2018)[1].
Thứ hai là về tên và nội dung của tác phẩm đăng ký bảo hộ: Các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền tác giả đối với các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cần lưu ý loại bỏ từ “biểu ngữ” hay slogan ra khỏi tên tác phẩm, vì trong khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây, Cục Bản quyền thường không được chấp thuận các tác phẩm đăng ký chứa các cụm từ trên với lý do, việc bảo hộ quyền tác giả không bảo hộ “Slogan”.
Thứ ba là về hồ sơ chứng minh quyền sở hữu khi đăng ký các tác phẩm đã được bộc lộ. Quyền tác giả bảo hộ tính nguyên gốc, tức là do tác giả tự sáng tạo và định hình, không sao chép các tác phẩm đã tồn tại trước đó. Do đó, nếu trong quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký, nếu chuyên viên cục bản quyền phát hiện tác phẩm giống như tác phẩm đang đăng ký đã được công bố, sử dụng tại bất kỳ kênh nào (mà chuyên viên tìm thấy được), dưới tên bất kỳ một người nào khác, hồ sơ đăng ký sẽ bị từ chối nếu người nộp đơn không giải trình và cung cấp được chứng cứ chứng minh hợp lý…
Thứ tư, hiện tại, các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được bảo hộ quyền tác giả được diễn giải theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ chỉ gồm 12 loại hình, vậy đối với những tác phẩm không phân loại được vào 12 nhóm này hoặc không thể xác định rõ ràng thuộc nhóm nào thì xử lý ra sao? Người viết đã từng làm một bộ hồ sơ đăng ký bản quyền cho cuốn catalog của một hãng đóng du thuyền, trong đó, vừa bao gồm ảnh chụp thuyền thật, hình ảnh thiết kế, hình ảnh đồ họa, và trên mỗi ảnh lại có cả thông số kỹ thuật của các sản phẩm ấy. Hồ sơ được nộp từ tháng 4 năm 2019 nhưng phải đến giữa tháng 01 năm 2020 mới có kết quả, vì các chuyên viên thẩm định không đồng ý cấp văn bằng do tác phẩm không thuộc loại hình nào trong số các tác phẩm được liệt kê tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Nhưng sau 9 tháng trời ròng rã, thì cuối cùng tác phẩm ấy cũng được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, dù vẫn hơi khập khiễng.
Thứ năm là về kênh tra cứu các hồ sơ đã đăng ký bản quyền, hiện tại, các tác phẩm đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả chỉ có thể tra cứu được trên một kênh duy nhất là tại mục tra cứu niên giám trên website của cục bản quyền, so với các kênh tra cứu về sở hữu công nghiệp thì niên giám này quả thật còn quá “thô sơ” và lượng thông tin được cập nhật vẫn chưa đủ để đáp ứng…
Trong những năm gần đây, với sự nổi cộm của những tranh chấp đối với các tác phẩm nổi tiếng như bộ truyện “Thần Đồng Đất Việt”, vở kịch “ngày xưa” hay tranh chấp về bản quyền truyền hình AFF cup…, vấn đề bản quyền cũng đã được dư luận quan tâm hơn, việc đăng ký các tác phẩm cũng dần trở thành một vấn đề cấp thiết hơn với những người sáng tạo và các nhà đầu tư. Những vấn đề nêu trên đây tuy là những vướng mắc mà người viết gặp phải trong quá trình thực hiện hồ sơ đăng ký bản quyền trên thực tế, nhưng cũng chỉ là vấn đề thiểu số, ít gặp phải hoặc có thể khắc phục được. Điều quan trọng, người sáng tạo, mỗi nhà đầu tư khi thực hiện các công việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, phải luôn tâm niệm phải bảo vệ được đứa con tinh thần của mình bằng các công cụ mà pháp luật cho phép ngay từ đầu, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.
[1] Theo báo cáo của Thứ trưởng Lê Quang Tùng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai chương trình công tác năm 2020 chiều ngày 17/12/2019.
Chúng tôi trên mạng xã hội