Thách thức phải đối mặt trong ngành bán lẻ (Phần 1)
Theo kết quả “Tổng điều tra dân số 2019” của Tổng Cục thống kê, dân số Việt Nam có hơn 96 triệu dân và trở thành quốc gia đứng thứ 15 đông dân nhất trên thế giới. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam là khá cao. Đây cũng chính là lợi thế của Việt Nam, khi đã thu hút hàng loạt Nhà Đầu Tư nước ngoài trên thế giới đầu tư và phát triển trị trường bán lẻ tại Việt Nam, đồng thời tạo nên một cơn sốt ngành bán lẻ và một thị trường cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nội địa.
Ngoài ra, ngành bán lẻ là ngành nghề được Việt Nam mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhà Đầu Tư nước ngoài là thành viên của WTO dễ dàng tiếp cận và phát triển nó. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và lập tổ chức kinh tế cho hoạt động bán lẻ, nhưng điều kiện để tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động bán lẻ có thể là điều các Nhà Đầu Tư nước ngoài cần lưu tâm.
Theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP Quy Định Chi Tiết Luật Thương Mại Và Luật Quản Lý Ngoại Thương Về Hoạt Động Mua Bán Hàng Hóa Và Các Hoạt Động Liên Quan Trực Tiếp Đến Mua Bán Hàng Hóa Của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài, Tổ Chức Kinh Tế Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài Tại Việt Nam đã quy định rõ việc các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện xin giấy phép kinh doanh, và giấy phép lập cơ sở bán lẻ trước khi hoạt động.
Vậy hoạt động bán lẻ là gì? Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.” Với định nghĩa về hoạt động bán lẻ này, phải chăng cũng đã làm các Nhà Đầu Tư bối rối trong việc xác định mục đích kinh doanh cho từng sản phẩm, hàng hóa. Bởi lẽ, đối với nhiều tổ chức phân phối hàng hóa đa dạng bao gồm cả hoạt động bán buôn (là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ[1]) và hoạt động bán lẻ thì họ cần xác định đối tượng sử dụng hàng hóa để từ đó mới có thể xác định đây là hoạt động bán buôn hay bán lẻ.
Trước khi xin cấp các giấy phép hoạt động bán lẻ, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần xác định các vấn đề sau để có thể xác định các loại giấy phép cần thiết để xin cấp phép:
-
Hoạt động bán lẻ thông qua Website công ty, hoặc các Website thương mại điện tử, hoặc bằng hình thức khác mà không thông qua lập cơ sở bán lẻ để bán hàng hóa trực tiếp tại cửa hàng; hay....
-
Hoạt động bán lẻ thông qua lập cơ sở bán lẻ.
Đối với phương thức (1), tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần xin cấp giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ nhưng không thành lập cơ sở bán lẻ.
Đối với phương thức (2), tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần xin hai (02) giấy phép sau:
-
Giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ có lập cơ sở bán lẻ; và
-
Giấy phép lập cơ sở bán lẻ đối với từng địa điểm kinh doanh bán lẻ.
Ngoài ra, trước khi Nhà Đầu Tư nước ngoài dự định hoạt động bán lẻ tại thị trường Việt Nam, các Nhà Đầu Tư cần xác định cụ thể, rõ ràng kế hoạch kinh doanh, định hướng thị trường, phương thức hoạt động, và sự phân bổ tài chính cũng như nguồn nhân sự phục vụ cho hoạt động bán lẻ tại thị trường Việt Nam để có thể chứng minh cho các cơ quan cấp phép thấy khả năng cũng như sự đầu tư nghiêm túc của các Nhà Đầu Tư tại Việt Nam, cụ thể như sau:
-
Loại hàng hóa bán lẻ;
-
Nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, công dụng và lợi thế cạnh tranh giữa hàng hóa mà Nhà Đầu Tư dự định kinh doanh so với những hàng hóa đã có mặt tại thị trường Việt Nam;
-
Nhà cung cấp dự kiến hợp tác để cung cấp hàng hóa cho công ty;
-
Kho chứa hàng hóa để phục vụ cho việc giao hàng đến các cửa hàng bán lẻ hoặc giao đến Người Tiêu dùng;
-
Số vốn dự kiến đầu tư;
-
Kế hoạch tài chính của ít nhất 03 năm cho sự đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam;
-
Kế hoạch nhân sự phục vụ cho hoạt động bán lẻ;
-
Khu vực thị trường dự kiến lựa chọn kinh doanh bán lẻ và địa điểm kinh doanh bán lẻ dự kiến (trong Trung tâm thương mại hay ngoài Trung tâm thương mại, diện tích, quy mô cơ sở bán lẻ);
-
Kinh nghiệm Nhà đầu tư cho hoạt động bán lẻ hoặc những thế mạnh của Nhà Đầu Tư để có thể phát triển hoạt động bán lẻ tại Việt Nam, cũng như mang đến một nguồn đóng góp vào ngân sách Nhà Nước.
Sau khi, Nhà Đầu Tư đã hoàn tất thủ tục thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, tổ chức kinh tế sau khi được thành lập sẽ thực hiện việc xin Giấy Phép Kinh Doanh tại Sở Công Thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính, và Giấy Phép Lập Cơ Sở Bán Lẻ tại Sở Công Thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt cơ sở bán lẻ.
Trên đây là một số thách thức đối với hoạt động bán lẻ mà Nhà Đầu Tư nước ngoài cần lưu ý trước khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Các điều kiện để được cấp phép cũng như quy trình xin cấp phép sẽ được Apolat Legal tiếp tục cập nhật trong bài viết Kỳ 2.
[1] Khoản 6 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP
Chúng tôi trên mạng xã hội