Chúng tôi trên mạng xã hội

Luật Cạnh Tranh Và Cơ Quan Quản Lý Cạnh Tranh

Ở một số nước như Hoa Kỳ, Anh, Pháp,… pháp luật cạnh tranh là một lĩnh vực pháp luật đã xuất hiện và tồn tại khá lâu. Trong khi đó, ở Việt Nam, Quốc Hội chỉ mới ban hành hai Đạo luật về cạnh tranh đó là Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 (Luật Cạnh tranh 2004) và Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 (Luật Cạnh tranh 2018). Điều này cho thấy rằng, pháp luật cạnh tranh vẫn là một lĩnh vực mới trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Chính vì vậy, trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích một số quy định cơ bản của Luật Cạnh tranh năm 2018 và giới thiệu sơ lược về các cơ quan quản lý cạnh trạnh ở Việt Nam để người đọc có thể nắm bắt và hiểu cơ bản về pháp luật cạnh tranh của Việt Nam.

1| Một Số Quy Định Cơ Bản Liên Quan Đến Pháp Luật Cạnh Tranh

(a) Thị trường liên quan
Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận[1]. Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận[2]. Việc xác định thị trường liên quan có ý nghĩa rất quan trọng vì đây chính là cơ sở để các cơ quan quản lý cạnh tranh kết luận một hành vi cụ thể có phải là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không.

(b) ​Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh
[1]. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là một dạng của hành vi hạn chế cạnh tranh. Chủ thể của các Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là doanh nghiệp. Theo đó, Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh diễn ra giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh của nhau. Một thỏa thuận được xem là Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi nó được hình thành từ sự thống nhất ý chí của các doanh nghiệp tham gia về việc thực hiện một hành vi hạn chế cạnh tranh. Nội dung của Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thường là các yếu tố cơ bản của quan hệ thị trường mà các doanh nghiệp đang cạnh tranh nhau như giá, thị trường, công nghệ, điều kiện ký kết hợp đồng và nội dung của hợp đồng.

Các doanh nghiệp tham gia vào một Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhằm tạo nên sức mạnh chung trong mối quan hệ với khách hàng hoặc trong quan hệ cạnh tranh với những doanh nghiệp không tham gia Thỏa thuận. Khi Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được hình thành, các doanh nghiệp đang là đối thủ của nhau sẽ không còn cạnh tranh với nhau nữa. Bằng Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thể gây thiệt hai cho khách hàng khi đặt ra các điều kiện giao dịch bất lợi cho họ hoặc gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác không tham gia Thỏa thuận.

 
Theo Luật Cạnh tranh 2018, Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm: Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; và Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

(c) ​​​​​​Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh
[1]. Tương tự như Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền cũng là một dạng của các hành vi hạn chế cạnh tranh. Chủ thể thực hiện hành vi Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền là doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc doanh nghiệp có vị trí độc quyền trên thị trường liên quan.

 
Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật Cạnh tranh 2018 hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Nhóm doanh nghiệp bị coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật Cạnh tranh 2018 hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018. Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan[1]. Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp có vị trí độc quyền bị coi là có hành vi Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền khi thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm được quy định tại Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018.

(d) ​​​​​Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác
[1]. Theo đó, chủ thể của Hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng là doanh nghiệp. Một doanh nghiệp bị coi là có Hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi doanh nghiệp đó thực hiện một hoặc nhiều hành vị bị cấm được quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 và việc thực hiện các hành vi đó gây ra thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.


2| Các Cơ Quan Quản Lý Cạnh Tranh Ở Việt Nam

(a) ​​​​​Cục Quản lý cạnh tranh
Cục Quản lý cạnh tranh là tổ chức thuộc Bộ Công Thương có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đối phó với các vụ kiện trong thương mại quốc tế liên quan đến bán phá giá, trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ theo quy định của pháp luật
[1]. Các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý cạnh tranh bao gồm: Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Phòng Điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Phòng Kiểm soát hợp đồng theo mẫu - điều kiện giao dịch chung, Văn phòng Cục và Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo.
 
(b) ​​​​​​Hội Đồng Cạnh Tranh
Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh độc lập do Chính phủ thành lập, có chức năng tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh
[1]. Hội đồng Cạnh tranh có từ 11 đến 15 thành viên, bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương[2]. Theo đó, Hội Đồng Cạnh Tranh là một cơ quan rất đặc biệt. Mặc dù là cơ quan hành chính nhưng Hội Đồng Cạnh Tranh lại có chức năng tổ chức xét xử các vụ án liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh.
 
[1] Khoản 7 Điều 3 Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14
[2] Khoản 1 Điều 9 Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14
[3] Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14
[4] Khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14
[5] Điều 25 Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14
[6] Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14
[7] Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 848/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 05/02/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh
[8] Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 07/2015/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền  hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh
[9] Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 07/2015/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền  hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây