Chúng tôi trên mạng xã hội

Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

Quyền Sở Hữu Trí Tuệ (Quyền SHTT) được hiểu một cách đơn giản là quyền sở hữu đối với những sản phẩm được tạo ra từ sự sáng tạo của con người. Dưới góc độ pháp luật, Quyền SHTT được định nghĩa là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm Quyền tác giả và Quyền liên quan đến quyền tác giả, Quyền sở hữu công nghiệp và Quyền đối với giống cây trồng[1]. Trong xu thế phát triển và hội nhâp kinh tế như hiện nay, Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì đều liên quan đến Quyền SHTT, đặc biệt là Quyền sở hữu công nghiệp (Quyền SHCN).  Ngoài ra, thực tiễn trên thế giới có rất nhiều công ty và tập đoàn đã trở nên vô cùng nổi tiếng và phát triển nhờ vào việc khai thác có hiệu quả các tài sản trí tuệ, ví dụ: Microsoft, Coca Cola, Disney, McDonald,… Điều này chứng tỏ rằng tài sản trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của Doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, việc Doanh nghiệp chủ động bảo vệ Quyền SHTT là một việc làm rất cần thiết. Vậy, Doanh nghiệp cần phải chủ động bảo vệ quyền SHTT như thế nào? Bài viết sau đây sẽ cho bạn câu trả lời.

1| Nhận dạng và xác định tài sản trí tuệ

Doanh nghiệp cần phải nhận dạng các tài sản trí tuệ mà doanh nghệp đang sở hữu cũng như xác định được đó là loại tài sản trí tuệ gì. Đây là một bước vô cùng quan trọng. Tại sao lại như vậy? Theo đó, cách thức xác lập quyền sở hữu và điều kiện bảo hộ đối với mỗi loại tài sản sở hữu trí tuệ là khác nhau. Ví dụ, Quyền tác giả được bảo hộ tự động kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định mà không cần phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền[1]. Trong khi đó, Quyền đối với giống cây trồng và Quyền SHCN đối với Nhãn hiệu, Kiểu dáng công nghiệp, Sáng chế và Thiết kế bố trí chỉ được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ bản chất pháp lý của loại tài sản trí tuệ mình đang sở hữu thì mới đưa ra biện pháp bảo vệ hiệu quả được. Thông thường, các tài sản sở hữu trí tuệ mà Doanh nghiệp sở hữu bao gồm: Quyền tác giả; Quyền liên quan đến quyền tác giả và Quyền SHCN đối với Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, Nhãn hiệu và Tên thương mại.
 
2| Đăng ký Quyền SHTT

Doanh nghiệp nên đăng ký Quyền SHTT cho các tài sản trí tuệ nào? Như đã phân tích ở phần trên, có một số loại tài sản trí tuệ mà Doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu. Tuy nhiên, đều này không đồng nghĩa với việc đối với các tài sản trí tuệ không bắt buộc đăng ký khác thì Doanh nghiệp không cần phải đăng ký Quyền SHTT, ví dụ như Quyền tác giả và Quyền liên quan đến quyền tác giả. Theo đó, Doanh nghiệp nên đăng ký Quyền tác giả và Quyền liên quan đến quyền tác giả bởi vì văn bằng bảo hộ sẽ là bằng chứng hiệu quả nhất và giúp cho Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian đáng kể nếu có tranh chấp xảy ra.Vấn đề quan trọng tiếp theo đó là Doanh nghiệp cần phải đăng ký Quyền SHTT vào thời điểm nào là thích hợp? Câu trả lời đó là căn cứ vào điều kiện và thời hạn bảo hộ của từng loại tài sản trí tuệ mà Doanh nghiệp sẽ xác định thời điểm đăng ký sao cho hiệu quả và phù hợp với mục đích kinh doanh của mình. Ví dụ, Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; (ii) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác[1]. Theo đó, tại điểm e khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có liệt kê một trường hợp Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt như sau: “2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu Nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: e) Dấu hiệu không phải là Nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký Nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Với quy định như vậy, nếu có nhiều đơn đăng ký Nhãn hiệu có dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau cùng đăng ký cho nhóm hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự thì đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn sẽ được cấp văn bằng bảo hộ. Chính vì vậy, Doanh nghiệp nên đăng ký Nhãn hiệu càng sớm càng tốt, tốt nhất là nên đăng ký trước khi đưa Nhãn hiệu vào sử dụng. Thêm một ví dụ khác nữa là về Kiểu dáng công nghiệp và Sáng chế. Theo quy định tại điều 58 và Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, một trong những điều kiện bảo hộ đối với Kiểu dáng công nghiệp và Sáng chế đó là phải có tính mới. Chính vì vậy, Doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp và Sáng chế trước khi sản xuất hoặc tung sản phẩm ra thị trường.
 
3| Áp dụng các quyền tự bảo vệ

Để bảo vệ Quyền SHTT, việc Doanh nghiệp tiến hành đăng ký Quyền SHTT thôi là chưa đủ bởi vì các tài sản trí tuệ sau khi đã được đăng ký quyền sở hữu vẫn có thể bị các chủ thể khác xâm phạm. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Doanh nghiệp có quyền áp dụng các biện pháp sau để bảo vệ Quyền SHTT của mình:
  • Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm Quyền SHTT:
    • Đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về Quyền SHTT lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, bản gốc và bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (sau đây trong Điều này gọi chung là sản phẩm) nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng thuộc Quyền SHTT đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm;
    • Sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ.
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm Quyền SHTT phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại bằng cách thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm Quyền SHTT theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây