Một số điểm mới nổi bật của luật doanh nghiệp 2020
Luật Doanh nghiệp mới đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 06 năm 2020 và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 202. Theo đó, Luật Doanh Nghiệp 2020 đã có một số thay đổi quan trọng tạo ra nhiều thuận lợi hơn so với phiên bản trước đây như cắt giảm một số thủ tục hành chính, bổ sung thêm trường hợp chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty cổ phần,… sau đây là một số thay đổi quan trọng của Luật Doanh Nghiệp 2020 đến hoạt động kinh doanh của Doanh Nghiệp:
1. Thời hạn góp vốn vào Doanh Nghiệp
Luật Doanh Nghiệp 2020 vẫn giữ nguyên thời gian góp vốn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh Nghiệp 2020 còn bổ sung thêm quy định loại trừ đi thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản ra khỏi thời hạn góp vốn. Trong thời hạn này, thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại. Quy định mới này góp phần hỗ trợ các thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập có thêm thời gian để hoàn tất nghĩa vụ góp vốn của mình đối với các loại tài sản cần phải đăng ký chuyển đổi chủ sở hữu, nhập khẩu từ nước ngoài về, thực hiện thủ tục hành chính…Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng đây có thể là một lỗ hổng để các đối tượng xấu lợi dụng khi muốn kéo dài thời gian góp vốn hay đăng ký vốn điều lệ ảo.
2. Bãi bỏ quy định báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý Doanh Nghiệp
Căn cứ theo Điều 12 Luật Doanh Nghiệp 2014, Doanh Nghiệp phải thông báo chơ cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi thông tin thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, Luật Doanh Nghiệp 2020 đã chính thức bãi bỏ quy định này và góp phần cắt giảm đi thủ tục hành chính vốn không thực sự cần thiết.
3. Bỏ quy định thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu Doanh Nghiệp
Khoản 2 Điều 44 Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.”. Tuy nhiên, Điều 43 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định:
“1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định trên, Luật Doanh Nghiệp 2020 không yêu cầu Doanh nghiệp buộc phải thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Do đó, thủ tục thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu trước khi đưa vào sử dụng sẽ không còn khi Luật Doanh Nghiệp 2020 có hiệu lực thi hành.
4. Bổ sung thêm trường hợp Doanh Nghiệp tư nhân được phép chuyển đổi thành Công Ty Cổ Phần, Công Ty Hợp Danh
Trước đây, Luật Doanh Nghiệp 2014 chỉ cho phép Doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, theo Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
c)Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
d)Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.”
5. Thay đổi thời gian thông báo trước khi tạm ngừng kinh doanh
Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định trước khi tạm ngừng kinh doanh, Doanh Nghiệp phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp Doanh Nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh Nghiệp 2020: “Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”. Như vậy, Luật Doanh Nghiệp mới đã giảm thời gian thông báo trước ít nhất 15 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc. Điều này góp phần tạo thuận lợi hơn về mặt thời gian cho Doanh Nghiệp khi muốn tạm ngừng kinh doanh.
6. Công ty trách nhiệm hữu hạn được phép phát hành trái phiếu
Luật Doanh Nghiệp 2020 cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn được quyền phát hành trái phiếu khi đáp ứng đủ một số điều kiện nhất định. Theo đó, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật Doanh Nghiệp 2020. Theo đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
“a) Công ty đã thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán và đã đến hạn thanh toán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;
b) Có báo cáo tài chính của năm trước liền kề năm phát hành được kiểm toán;
c) Bảo đảm điều kiện về tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định pháp luật;
d) Điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan”
Trình tự, thủ tục chào bán và chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ được thực hiện theo điều 129 Luật Doanh Nghiệp 2020 như sau:
“1. Công ty quyết định phương án chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định của Luật này.
2. Công ty công bố thông tin trước mỗi đợt chào bán cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và thông báo đợt chào bán cho sở giao dịch chứng khoán ít nhất 01 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt chào bán trái phiếu
.
3. Công ty công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu và thông báo kết quả đợt chào bán đến sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán trái phiếu.
4. Trái phiếu phát hành riêng lẻ được chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư đáp ứng điều kiện về đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật này, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, phán quyết của Trọng tài có hiệu lực hoặc thừa kế theo quy định pháp luật.
5. Căn cứ quy định của Luật này và Luật Chứng khoán, Chính phủ quy định chi tiết về loại trái phiếu, hồ sơ, trình tự, thủ tục phát hành và giao dịch trái phiếu riêng lẻ; công bố thông tin; phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.”
Trên đây là một số điểm thay đổi quan trọng của Luật Doanh Nghiệp 2020 so với Luật Doanh Nghiệp 2014. Ngoài ra, có một số nội dung thay đổi cần phải chờ sự hướng dẫn chi tiết từ nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ ngành liên quan để có thể thi hành.
Chúng tôi trên mạng xã hội