Chúng tôi trên mạng xã hội

Giải quyết tranh chấp đầu tư theo hiệp định EVFTA

Hiện nay, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Liên minh Châu Âu (EU), do đó hoạt động đầu tư cũng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng khó tránh khỏi những tranh chấp phát sinh giữa các nhà đầu tư Việt Nam và các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Vì vậy, việc thống nhất phương án giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu. Vì thế, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EVFTA) ra đời trên cơ sở thống nhất thỏa thuận giữa các bên. Ngày 30/03/2020, Hiệp định này đã được Hội đồng Châu Âu thông qua và Hiệp định này cũng sẽ ngay lập tức có hiệu lực tại Việt Nam sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua.

Để đáp ứng việc tuân thủ theo Hiệp định đã ký kết, Việt Nam cần phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định chung. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã đề nghị EU xem xét khoảng thời gian để chuẩn bị, thực hiện một cách đầy đủ các điều kiện trong cam kết. Liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp, theo Hiệp định EVFTA, thủ tục này sẽ được quy định tại Chương 15 của Hiệp định. Theo đó, cơ chế giải quyết tranh chấp bao gồm thủ tục tham vấn, cơ chế hòa giải và thủ tục giải quyết tranh chấp tại Hội Đồng Trọng Tài.


1| Tham vấn, hòa giải

Tham vấn được xem là thủ tục bắt buộc cho mọi tranh chấp trước khi bắt đầu cơ chế giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng trọng tài, trừ trường hợp thỏa thuận loại bỏ thủ tục tham vấn. Một bên khi xảy ra tranh chấp có quyền gửi yêu cầu tiến hành tham vấn cho bên còn lại và Ủy ban thương mại. Nếu bên còn lại đồng ý, tham vấn sẽ được tiến hành trong vòng 30 ngày, chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn[1]. Tuy nhiên, đối với những trường hợp khẩn cấp như hàng hóa bị hư hỏng; hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ thì khoảng thời gian này sẽ được rút ngắn chỉ còn 15 ngày, muộn nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn[2].

Đối với cơ chế hòa giải, các bên được phép tiến hành hòa giải vào bất kỳ lúc nào trong quá trình tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp
[3]. Nguyên tắc thiện chí được xem là nguyên tắc chủ yếu xuyên suốt những quy định về hòa giải cũng như trong thủ tục tham vấn. Theo đó, khi giải quyết tranh chấp, các bên buộc phải nỗ lực giải quyết tranh chấp này bằng thủ tục tham vấn và các bên cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin thực tế để xem xét cách thức mà các biện pháp được cho là vi phạm có thể ảnh hưởng đến việc thi hành và áp dụng Hiệp định này[4]. Hơn nữa, Hiệp định này cũng khuyến khích các bên nỗ lực hòa giải để hạn chế chi phí phát sinh cũng như duy trì mối quan hệ hòa hảo giữa các bên.
 
2| Thủ tục tố tụng trọng tài

Bên yêu cầu tham vấn được đưa tranh chấp giải quyết theo thủ tục tố tụng trọng tài trong các trường hợp sau[5]: (i) Bên còn lại không trả lời yêu cầu tham vấn trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn; (ii) Tham vấn không được tiến hành trong khoảng thời gian quy định; (iii) Các bên thỏa thuận không tổ chức tham vấn; (iv) Tham vấn đã kết thúc mà không đạt được giải pháp đồng thuận giữa các bên. Khi đó, thủ tục tố tụng trọng tài sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp.
 
a. Thành lập Hội Đồng Trọng Tài

Yêu cầu thành lập Hội Đồng Trọng Tài là bước làm phát sinh thủ tục tố tụng trọng tài giữa các bên. Bên yêu cầu tham vấn gửi Yêu cầu thành lập Hội Đồng Trọng Tài cho bên còn lại và Ủy ban Thương mại. Bên khởi kiện phải chỉ rõ trong yêu cầu biện pháp tranh chấp và sẽ giải thích một cách đầy đủ sự không phù hợp của biện pháp đó với các điều khoản tại Hiệp định này để làm rõ cơ sở pháp lý cho việc khởi kiện
[6].

Hội Đồng Trọng Tài gồm 3 thành viên, được thành lập theo theo trình tự ưu tiên như sau
[7]:
  • Các bên thỏa thuận về thành phần của Hội Đồng Trọng Tài trong vòng 10 ngày kể từ ngày bên bị kiện nhận được yêu cầu thành lập Hội Đồng Trọng Tài;
  • Nếu không đạt được thoả thuận, mỗi bên có thể chỉ định một trọng tài viên từ danh sách các ứng viên trọng tài mà đã được Bên đó lập ra hoặc đề xuất;
  • Nếu không chỉ định, Chủ Tịch Ủy ban Thương mại, hoặc người được chủ tịch Ủy ban Thương mại ủy quyền sẽ bốc thăm lựa chọn Trọng tài từ danh sách đã được lập hoặc đã được đề xuất.
Danh sách trọng tài đề cập tại quy định nêu trên bao gồm ít nhất 15 trọng tài viên, được lập bởi Ủy ban Thương mại trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Ưu điểm của việc lập danh sách này là đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấp. Bởi ngoài những danh sách phụ những trong tài viên của EU và Việt Nam, danh sách này còn bao gồm trọng tài viên của bên thứ 3, tức là các cá nhân không phải công dân của các bên và không có hộ khẩu thường trú tại các bên để chọn làm Chủ Tịch của Hội Đồng Trọng Tài[8] .

b. Quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp của Hội Đồng Trọng Tài

Trong vòng 10 ngày kể từ khi Hội Đồng Trọng Tài được thành lập, các Trọng tài viên và đại diện của mỗi bên tiến hành các cuộc họp bằng cách họp trực tiếp, qua điện thoại hoặc hình thức truyền hình trực tuyến để xác định các vấn đề tranh chấp mà các bên hoặc hội đồng trọng tài cho là cần thiết, bao gồm khung thời gian của quy trình tố tụng, thù lao và chi phí được trả cho các trọng tài viên
[9].
Các phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ được tiến hành công khai tại một địa điểm theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được, phiên họp sẽ được tại Bruc-xen (Bỉ); hoặc tại Hà Nội (Việt Nam). Các bên có quyền bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc tham gia, đưa ra ý kiến trình bày, lập luận hay phản bác liên quan đến vấn đề tranh chấp, lập luận mà một bên đưa ra hoặc quyết định của Hội Đồng Trọng Tài
[10].
 
c. Các Quyết định của Hội đồng Trọng tài

Hội Đồng Trọng Tài sẽ giải quyết tranh chấp thông qua việc đưa ra Báo Cáo Sơ Bộ và Báo Cáo Cuối Cùng. Theo đó, Báo Cáo Sơ Bộ sẽ được đưa ra trong vòng 90 ngày và không muộn hơn 120 ngày kể từ ngày thành lập Hội Đồng Trọng Tài
[11]. Tuy nhiên, đối với những trường hợp khẩn cấp thì Hội Đồng Trọng Tài phải đưa ra Báo Cáo Sơ Bộ trong vòng 45 ngày và không muộn hơn 60 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài[12].

Tuy nhiên, các bên được quyền nêu ý kiến của mình liên quan tới những nội dung trong Báo Cáo Sơ Bộ, đề nghị Hội Đồng Trọng Tài xem xét những vấn đề đã nêu. Sau đó, trên cơ sở xem xét, đánh giá, Hội Đồng Trọng Tài có thể điều chỉnh lại báo cáo này nếu xét thấy có sự không phù hợp khi giải quyết tranh chấp thông qua việc đưa ra Báo Cáo Cuối Cùng. Tuy nhiên, việc đưa ra báo cáo này cũng phải đảm bảo thời hạn quy định. Theo đó, thời hạn đưa ra Báo Cáo Cuối Cùng là 120 ngày, chậm nhất là 150 ngày kể từ ngày thành lập Hội Đồng Trọng Tài, trong trường hợp khẩn cấp thì thời hạn này là 60 ngày, chậm nhất là 75 ngày kể từ ngày thành lập Hội Đồng Trọng Tài. Báo Cáo này được xem là phán quyết cuối cùng và sẽ có hiệu lực thi hành mà các bên không được quyền đưa ra ý kiến phản đối
[13].

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư của Hiệp định EVFTA được xem là toàn diện hơn các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Thông qua việc cơ chế chung trong giải quyết tranh chấp, quyền lợi của nhà đầu tư cũng như quyền giám sát của quốc gia trong việc thực thi hiệp định quốc tế luôn luôn được đảm bảo.
 
[1] Điều 15.3(3) Hiệp định EVFTA
[2] Điều 15.3(4) Hiệp định EVFTA
[3] Điều 15.4 Hiệp định EVFTA
[4] Điều 15.3(6) Hiệp định EVFTA
[5] Điều 15.3(5) Hiệp định EVFTA
[6] Điều 15.5 Hiệp định EVFTA
[7] Điều 15.7(3) Hiệp định EVFTA
[8] Điều 15.23 Hiệp định EVFTA
[9] Điều 15.8(2) Hiệp định EVFTA
[10] Điều 15.8(5) Hiệp định EVFTA
[11] Điều 15.10(1) Hiệp định EVFTA
[12] Điều 15.10(3) Hiệp định EVFTA
[13] Điều 15.11 Hiệp định EVFTA
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây