Chúng tôi trên mạng xã hội

Các hình thức đầu tư tại việt nam theo quy định của luật đầu tư 2020

Luật đầu tư 2020 đã được Quốc Hội thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 đã có nhiều bổ sung, sửa đổi so với Luật Đầu Tư 2014. Một trong những nội dung thay đổi đáng chú ý đó chính là quy định liên quan đến các hình thức mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư tại Việt Nam.

Đầu tiên, cần phải biết rằng thế nào là đầu tư, theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Đầu Tư 2020: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh” trong khi đầu tư kinh doanh được quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Đầu Tư 2014 như sau: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.”. Có thể thấy, Luật Đầu Tư 2020 định nghĩa Đầu tư kinh doanh ngắn gọn hơn và mang tính tổng quát nhiều hơn so với Luật Đầu Tư 2014 – vốn dùng các hình thức đầu tư tại Việt Nam để định nghĩa thế nào là Đầu tư kinh doanh.

Thứ hai, các hình thức đầu tư được quy định cụ thể như sau:

 
STT Các hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu Tư 2014[1]
 
Các hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu Tư 2020[2]
1 Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
 
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
2 Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
 
3 Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
 
Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
4 Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP. Thực hiện dự án đầu tư.
 
5   Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, Luật Đầu Tư 2020 đã bổ sung thêm các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư tại Việt Nam như đầu tư theo hình thức thực hiện dự án đầu tư và các hình thức khác được Chính Phủ quy định. So với trước đây, ngoài các hình thức đầu tư tại Việt được Luật Đầu Tư 2020 quy định thì Chính Phủ được phép quy định các hình thức đầu tư, loại hình kinh tế mới, về chi tiết (nếu có) có lẽ phải chờ đến khi có nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đầu Tư 2020 được ban hành.

Cuối cùng, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) hiện nay đã được tách riêng ra thành một luật mới đó là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Theo đó, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư điều chỉnh 05 nhóm lĩnh vực đầu tư khi tư nhân hợp tác với với nhà nước, cụ thể như sau[3]:

i. Giao thông vận tải;

ii. Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;

iii. Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;

iv. Y tế; giáo dục - đào tạo;

v. Hạ tầng công nghệ thông tin.


Với các quy định mới của Luật Đầu Tư 2020 liên quan đến các hình thức đầu tư hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau mà họ có thể lựa chọn tùy vào nhu cầu, mục đích đầu tư của mình.
 

[1] Điều 22, 24, 27 và 28 Luật Đầu Tư 2014
[2] Điều 21 Luật Đầu Tư 2020
[3] Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây